Châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn đầu toàn cầu về thương mại điện tử. Đây chính là cơ hội phát triển cho các hãng chuyển phát tại khu vực này.
Cơ hội và thách thức cho các nhà chuyển phát
Ngay cả khi ngành bán lẻ truyền thống đang trì trệ vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, doanh số bán hàng trực tuyến vẫn tăng trưởng mức hai con số ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Châu Á –TBD chiếm 44% lượng người sử dụng Internet toàn thế giới. Các nước đang phát triển như Thái Lan và Malaysia đang nhanh chóng đạt tỷ lệ truy cập Internet 80%, Trung Quốc và Indonesia có số dân rất đông đã phát triển được thị trường thương mại điện tử khổng lồ.
Quá trình cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng thương mại điện tử lớn trong khu vực làm cho việc mua sắm trên mạng ngày càng đơn giản và an toàn hơn. Những nhãn hiệu toàn cầu như Amazon, eBay, và Apple đang cạnh tranh với các đối thủ nặng ký ở các nước như Alibaba của Trung Quốc và Rakuten của Nhật Bản. Cùng lúc đó, các nhà chuyển phát cũng phải cạnh tranh để phát triển.
Sự phát triển của thương mại điện tử đem đến cơ hội rõ ràng cho các nhà chuyển phát. Ví dụ, 3/4 khách hàng chuyển phát nhanh lớn nhất của Japan Post thuộc khu vực bán lẻ trực tuyến.
Tại Hội nghị Bưu chính Toàn cầu vừa qua, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Japan Post đưa ra nhận định rằng thương mại điện tử chính là cơ hội cho bưu chính vì “dòng lưu thông hàng hóa không thể bị số hóa”. Ông nhấn mạnh bưu chính các nước sẽ thu được lợi thế kinh doanh quan trọng nếu họ có mạng lưới chuyển phát rộng khắp và thương hiệu đáng tin cậy.
Vài tháng gần đây, một số hãng chuyển phát đã thiết lập đường bay mới để tăng cường vận chuyển số lượng hàng hóa bùng nổ – phần lớn nhờ thương mại điện tử. Hồi năm ngoái, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) bày tỏ sự tin tưởng rằng thương mại điện tử tại thị trường châu Á Thái Bình Dương sẽ theo mô hình của Amazon, trong đó có đầu tư vào mạng lưới chuyển phát.
Ông Jerry Hsu, Tổng giám đốc của DHL khu vực châu Á- TBD, lưu ý rằng sẽ có nhiều thách thức khi hoạt động chuyển phát cần thay đổi theo tính chất của thương mại điện tử. Ví dụ các nhà chuyển phát phải hướng tư duy tới một thị trường mà tại đó người nhận thường không có mặt ở nhà để nhận hàng trong ngày làm việc; thị trường cạnh tranh khiến các công ty chuyển phát phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp để giảm chi phí. Tuy nhiên, trong khi “giao hàng miễn phí” luôn là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng, ông Hsu cho rằng vẫn nhiều người lựa chọn vận chuyển bảo đảm. Tùy thuộc vào mặt hàng được mua, giá cả đôi khi không phải là nhân tố duy nhất quyết định người ta có bỏ tiền ra mua hay không, nhiều khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để có dịch vụ tốt hơn.
Hợp tác cùng các nhà bán lẻ trực tuyến
Một chiến lược quan trọng của các hãng chuyển phát là hợp tác với các hãng kinh doanh trực tuyến để cung cấp các dịch vụ khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Ví dụ, DHL thiết lập quan hệ với eBay, Google; USP liên minh với thị trường bán buôn AliExpress của Alibaba vào năm ngoái.
Bưu chính một số nước còn mở dịch vụ hỗ trợ chuyên dụng cho các nhà bán lẻ trực tuyến. Japan Post có bộ phận vận chuyển riêng phục vụ thương mại điện tử; HongKong Post phát hành dịch vụ “eClub” cho các nhà bán lẻ trực tuyến, dịch vụ vận chuyển EC Post thiết kế riêng cho các nhà bán lẻ tại Hồng Kông cung cấp hành hóa cho khách hàng ở Trung Quốc.
Các nhà khai thác cũng ngày càng tinh vi trong việc sử dụng các phần mềm bán lẻ trực tuyến. Người dùng các nền tảng bán lẻ trực tuyến giờ đây có thể tích hợp website với các dịch vụ vận chuyển để đem đến trải nghiệm mua sắm liên tục và tiện lợi cho khách hàng.
Các công cụ như XML Services của DHL giúp mạng lưới giao thông toàn cầu và các hệ thống theo dõi phức tạp có thể được tích hợp vào một hệ thống giao dịch trực tuyến mà không cần thực hiện bất kỳ kỹ thuật công nghệ thông tin phức tạp.
Thương mại điện tử – ‘phao cứu sinh’ cho bưu chính
By: Phan Tới
| At: 04:33 |
Tags:
thuongmaidientu,
Thương Mại Điện Tử
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 Nhận xét ::
Đăng nhận xét