Với nhiều cư dân mạng của kỉ nguyên Internet, một đường truyền tốc độ cao đôi khi vẫn là một niềm mơ ước xa xỉ và có lẽ họ sẽ cảm thấy “không thể tin được” khi biết Google đã cung cấp cho các nhân viên của mình một tốc độ Internet khủng đến mức này.
Tốc độ kết nối Internet ở Google là bao nhiêu?
Với nhiều cư dân mạng của kỉ nguyên Internet, một đường truyền tốc độ cao đôi khi vẫn là một niềm mơ ước xa xỉ và có lẽ họ sẽ cảm thấy “không thể tin được” khi biết Google đã cung cấp cho các nhân viên của mình một tốc độ Internet khủng đến mức này.
YouTube ra mắt dịch vụ truyền video trực tiếp
Cuối tuần qua, các viên chức điều hành đã công bố dịch vụ YouTube Live, tích hợp các tính năng truyền trực tiếp vào nền tảng YouTube.YouTube cũng đã khai trương một trang mới cho phép người dùng có thể truy cập để tìm danh sách các sự kiện được phát trực tiếp.
Vào chiều ngày 11/4/2011, người dùng đã có thể xem các trận đấu phát trực tiếp của giải cricket ngoại hạng của Ấn Độ (Indian Premier League Cricket) và một bài thuyết trình của trường Đại học Stanford về ảnh hưởng của ngành công nghiệp thuốc lá đối với sức khoẻ toàn cầu.
Vào lúc này, không phải ai cũng có thể xem trực tiếp video trên trang này. YouTube mới cung cấp dịch vụ này cho một danh sách đối tác tuyển chọn. Tuy nhiên, YouTube hy vọng sẽ mở rộng danh sách này trong vài tháng tới.
Theo bài blog của Joshua Siegel, Giám đốc sản phẩm, và Christopher Hamilton, Giám đốc tiếp thị sản phẩm của YouTube, công ty cũng sẽ dần dần phổ biến phiên bản beta của nền tảng truyền trực tiếp, cho phép một số đối tác của YouTube có tài khoản lâu dài truyền trực tiếp các nội dung trên YouTube. Mục đích là để cung cấp cho hàng nghìn đối tác tính năng truyền trực tiếp từ các kênh của họ trong vài tháng tới.
Tuần qua cũng có thông tin rằng YouTube đang sửa sang toàn bộ trang web. Trang web chia sẻ video này đang cố gắng đưa mình vào tư thế hoạt động tốt hơn trong thời đại truyền hình kết nối Internet, theo một bài viết của nhật báo The Wall Street Journal. YouTube đang sắp xếp lại trang chủ của họ theo các “kênh” hay chủ đề, như thể thao và nghệ thuật.
Tờ Wall Street cũng cho biết, trang web này đang nghiên cứu đưa vào khoảng 20 “kênh thượng hạng”, trình chiếu các chương trình gốc được sản xuất chuyên nghiệp từ 5 đến 10 giờ mỗi tuần.
Một nguồn tin cho biết, YouTube đang thay đổi trang web của họ, nhưng công ty không có kế hoạch thiết kế lại gì lớn lao. Thay vào đó, các thay đổi này sẽ được thực hiện qua nhiều tháng hoặc thậm chí cho đến sang năm.
Lật tẩy chiêu lừa quảng cáo trên Google
Mạng Internet gần đây xuất hiện những lời rao quảng cáo trên Google rất hấp dẫn: "quảng cáo Google 24/24 chỉ với 32 USD mỗi tháng" hay "quảng cáo Google xuất hiện trên top 1-3 hiển thị 24/7 không giới hạn số lần bấm chuột với giá trọn gói 900.000 đồng/tháng"... Những người am hiểu về quảng cáo trên Google cho rằng đó chỉ là chiêu lừa những khách hàng không hiểu biết.
Dịch vụ Google AdWords, quảng cáo trên các trang tìm kiếm thuộc sở hữu của Google, đang được nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng bởi lý do đơn giản: Google hiện chiếm tới 95% thị trường tìm kiếm trực tuyến và đem lại khoảng 70% lượng truy cập cho các website tại Việt Nam, theo số liệu của các hãng nghiên cứu thị trường Niesen và TNS.
Google AdWords hiển thị website của các doanh nghiệp đăng ký quảng cáo dịch vụ này ở bên phải hoặc trên top đầu của trang kết quả tìm kiếm trên web tìm kiếm Google. Chi phí cho dịch vụ quảng cáo này được tính theo hai cách: số lần người tìm kiếm bấm chuột vào website (cost per click - CPC) hoặc số lần website xuất hiện trên Google (cost per impresstion - CPI). Như vậy, bản chất của quảng cáo trên Google là tính phí theo số lần bấm chuột hoặc số lần website của khách hàng hiển thị trên các trang tìm kiếm.
Thế nhưng thời gian gần đây trên mạng xuất hiện một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo Google với lời rao rất hấp dẫn: "quảng cáo Google AdWords không giới hạn số lần click, 24/24", "quảng cáo Google 24/24 chỉ với 32 USD mỗi tháng" hay "quảng cáo Google xuất hiện trên top 1-3 hiển thị 24/7 không giới hạn số lần bấm chuột với giá trọn gói 900.000 đồng/tháng"...
Ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty cổ phần quảng cáo Thông Minh (Clever Ads), đối tác quảng cáo của Google đầu tiên tại Việt Nam khẳng định, với cách thức tính tiền theo số lần bấm chuột, không thể có khái niệm quảng cáo trên Google 24/24 và không giới hạn số lần bấm chuột với mức phí trọn gói thấp được. “Đó là điều bất khả thi với những người hiểu biết về dịch vụ này”, ông Trình nói.
“Ví dụ, một doanh nghiệp chọn những từ khoá nhiều người tìm kiếm trên Google như “virus” hay “laptop” chẳng hạn, quảng cáo xuất hiện 24/24 sẽ thu hút được lượng lớn người dùng bấm chuột vào quảng cáo của họ, như vậy chi phí sẽ không thể là 32 USD hay 900.000 đồng một tháng mà chắc chắn sẽ cao hơn nhiều lần, ông Trình nói và cho biết "có những mánh khoé nhất định để lừa khách hàng".
Theo ông Trình, Google định nghĩa từ khoá quảng cáo làm 3 loại: loại thứ nhất là dạng mở rộng (broad). Nếu chọn từ khoá theo kiểu "broad" thì quảng cáo sẽ xuất hiện nhiều nhất. Ví dụ nếu doanh nghiệp chọn từ khoá là "học tiếng Anh" và đặt quảng cáo dạng 'broad', khi đó bất kỳ ai tìm kiếm "tôi muốn học tiếng Anh" hay "tiếng Anh tốt học ở đâu" hay "học tiếng Anh ở đâu tốt" cũng đều xuất hiện quảng cáo. Nói cách khác, bất kỳ ai tìm kiếm cụm từ đủ các từ "học", từ "tiếng" và từ "Anh" sẽ thấy được quảng cáo.
Dạng thứ hai là cụm từ (phrase). Với dạng này, nếu tìm kiếm cụm từ "học tiếng Anh ở đâu", "học tiếng Anh tốt" hay "tôi muốn học tiếng Anh" sẽ xuất hiện quảng cáo. Nhưng nếu tìm "Anh tiếng học", hoặc "anh học tiếng ở đâu" sẽ không ra quảng cáo. Nói cách khác, dạng quảng cáo này yêu cầu cụm từ khoá xuất hiện theo đúng thứ tự mới xuất hiện quảng cáo, như vậy nó sẽ giảm bớt số lượt quảng cáo xuất hiện. Dạng thứ ba là tìm chính xác (exact), tức là phải tìm đúng cụm từ "học tiếng Anh" mới xuất hiện quảng cáo.
Ông Trình cho rằng, các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo đã lợi dụng cách phân loại từ khoá của Google để lừa khách hàng. Ví dụ, một công ty cung cấp dịch vụ thẩm mỹ viện muốn chọn từ khoá “thẩm mỹ viện” làm từ khoá quảng cáo trên Google. Nếu đưa từ khoá đó vào dạng “broad” thì hầu như tất cả các yêu cầu quảng cáo liên quan đến thẩm mỹ viện như “thẩm mỹ viện Sài Gòn” hay “thẩm mỹ viện ở Hà Nội”… đều xuất hiện quảng cáo và công ty đó sẽ có thể thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng. Nhưng cách làm của các công ty làm dịch vụ quảng cáo là đưa từ khoá đó vào dạng “exact”, như vậy chỉ những người tìm kiếm chính xác cụm từ “thẩm mỹ viện” thì quảng cáo mới hiện lên.
Trên thực tế, hầu hết người dùng thường tìm kiếm những từ khoá cụ thể hơn như “thẩm mỹ viện ở quận 3” hay tên một thương hiệu thẩm mỹ viện nào đó như “thẩm mỹ viện Thảo Linh ở đâu” nên số lần xuất hiện quảng cáo với cụm từ chung “thẩm mỹ viện” không nhiều. Do đó chi phí phải trả cho Google theo số lần bấm chuột không nhiều và như vậy người quảng cáo sẽ thu hút được ít khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, theo ông Trình, hệ thống của Google thường phát hành phiếu giảm giá (coupon, voucher). Các phiếu giảm giá này được rao bán rất rẻ trên mạng, phiếu 50 USD chỉ có 5 USD. Tuy nhiên, những phiếu giảm giá này không được sử dụng cho dịch vụ AdsWords. Nếu Google phát hiện website nào sử dụng những phiếu giảm giá này để chạy quảng cáo AdsWords sẽ bị cấm vĩnh viễn. Với những trường hợp này, doanh nghiệp phải liên hệ với những những đối tác quảng cáo được Google chứng nhận mới có thể tiếp tục quảng cáo AdWords.
10 dịch vụ email marketing hàng đầu thế giới
Email marketing là một phần không thể thiếu cho kế hoạch online marketing của bạn. Dù bạn là doanh nghiệp lớn hay chỉ là một cửa hàng nho nhỏ thì việc sử dụng email marketing mang lại lợi ích vô cùng lớn và đáng được bạn quan tâm. Tuy nhiên thật khó để bạn tự làm điều đó mà không cần đến sự trợ giúp của những tổ chức hỗ trợ email marketing chuyên nghiệp. Bài viết này tôi sẽ giới thiệu các bạn 10 dịch vụ email marketing hàng đầu thế giới với bảng đánh giá chi tiết về chức năng và giá thành của từng loại.
1. Campaign Monitor
URL: http://www.campaignmonitor.com
Special Features: Testing emails bằng nhiều platforms khác nhau. Rebranding và Reselling. Chức năng screenshot email trước khi gửi đi. Full API.
Reporting Features: Tương thích hoàn toàn với Google Analytics. Phần thống kê chi tiết và chính xác tuyệt vời
Interface: 9/10 – Nhiều nhà phát triển lấy làm mẫu để làm theo!
Pricing: $5 mỗi campaign và ¢1 mỗi người nhận hoặc 1000 subscribers = $30 mỗi tháng.
Free trial? 5 free emails để test.
Pricing information: Available here.
Features: Available here
Screenshots:
Campaign Monitor luôn luôn chứng minh rằng họ chính là CHUẨN cho việc gửi email marketing, đối tượng chính của họ là những nhà lập trình website. Bạn sẽ rất thích thú chuyển qua dùng dịch vụ của họ bởi vì họ cung cấp nhiều ứng dụng mà bạn có thể bán lại cho người dùng của bạn. Đây là hướng kinh doanh chính của họ ngay lúc này và dường như đó là một hướng đi sáng suốt. Bạn có thể thấy rất nhiều công ty làm website đang quảng bá về Campaign Monitor!
Chức năng đăng ký cũng rất đơn giản. Với rất nhiều chức năng có sẵn và nó xứng đáng được nhận những lời khen. Tôi mất khoảng 5 phút cho việc vào trang web và gửi đi campaign đầu tiên của tôi. Và kết quả thật tuyệt vời, chức năng thống kê chi tiết y chang như của Google Analytics cộng với giao diện mượt mà và dịu mắt. Bạn cũng sẽ cảm nhận được sự hài lòng ngay từ khi bấm vào nút đăng nhập!
Chức năng Screenshot dùng cho việc kiểm tra email trước khi gửi đi với nhiều platforms khác nhau. Trên hết là đối với bất kỳ 1 công ty làm web nào thì những chức năng dễ dùng đối với khách hàng của họ là điều quan trọng nhất.
2. Signup.to
URL: http://www.signup.to
Special Features: Đếm số lượng cú click trong nội dung email của campaigns. API tương thích tốt với third party. SMS Marketing
Reporting Features: Tương thích hoàn toàn với Google Analytics
Interface: 6/10 – Tôi cảm thấy có chút ít khó khăn trong lần đầu tiên sử dụng.
Pricing: £195 setup, £40 mỗi tháng, emails send không giới hạn
Free trial? Free Trial cho phép gửi 50 contacts. Nếu muốn gửi nhiều hơn thì bạn phải mua. Tuy nhiên với con số này, đối với những blogger mới thì có lẽ đủ cho họ gửi email marketing. Vì thế tôi cho rằng điều này thật tuyệt!
Pricing information: Available here.
Features: Available here
Screenshots:
Cơ cấu giá cả hoàn toàn khác nhau. £40 mỗi tháng cho 1000 subscribers và bạn có thể thể gửi nhiều campaigns tùy ý. Bạn có thể xem thêm phần hướng dẫn ở đây.
Nếu bạn là một người sử dụng nhiều / người kinh doanh thì bạn nên đăng ký gói cao giá hơn. Nó cung cấp API cho việc tương tác với code phía server, vì thế bạn có thể kết hợp với hệ thống e-commerce hoặc third party một cách dễ dàng. Điều này rất tuyệt và cần thiết cho đối tượng dùng nhiều nhưng mức giá nó gấp 4 lần các gói khác, bạn cần phải suy nghĩ kỹ.
Hệ thống có những tính năng phong phú và dễ sử dụng. Giao diện nhìn từ trái qua phải là một hệ thống các tabs, chuyển đổi qua lại dễ dàng. Hệ thống template có khoảng 45 mẫu khác nhau, nhưng tôi cho rằng nhiều khách hàng sẽ hài lòng với chúng. Có sẵn 2 chức năng check spam và check link trước khi gửi. Campaign Monitor đang thu $5 cho 2 chức năng này! Đặc biệt có chức năng SMS marketing - tôi ngạc nhiên là các nhà cung cấp khác không cung cấp dịch vụ này. Gửi email thông qua SMS cũng có hỗ trợ API cho các nhà làm web, điều này thực sự đem lại nhiều giá trị
Google thay đổi cách thức quảng cáo trên Gmail
Mới đây, "gã khổng lồ tìm kiếm" Google đã thông báo rằng họ sẽ thay đổi cách thức quảng cáo trên Gmail, với tiêu chí nâng cao chất lượng của quảng cáo, đồng thời giảm bớt số lượng chèn quảng cáo vào tài khoản người sử dụng.
Google không nêu rõ chi tiết về công nghệ mới mà họ sẽ áp dụng để tiến hành kế hoạch trên. Hãng này chỉ nói rằng công nghệ đó sẽ được triển khai sau tính năng "hộp thư ưu tiên" một thời gian.
Sở dĩ Google tính toán như vậy là bởi tính năng "hộp thư ưu tiên" mà họ vừa ra mắt sẽ giúp lọc thư một cách thông minh để xếp loại những email nào quan trọng hơn thì được đẩy lên trên, email nào ít quan trọng thì bị kéo xuống dưới.
Sau một thời gian ghi nhận quan điểm của người dùng thông qua "hộp thư ưu tiên" đó, "gã khổng lồ tìm kiếm" sẽ biết được quảng cáo nào là phù hợp với người sử dụng, để từ đó cung cấp một cách hợp lý.
Hãng này đưa ra ví dụ minh họa: "Khi bạn nhận được một loạt tin nhắn quảng cáo trên cửa sổ Gmail về lĩnh vực thiết bị camera, chẳng hạn như một cửa hàng camera nào đó vừa mở cửa gần nơi bạn sống, thì bạn có thể tỏ ra quan tâm và thích thú với lĩnh vực này hoặc ngược lại. Nếu bạn ghi nhận đó là những tin nhắn rác, công nghệ mới sẽ hiểu rằng bạn không hề có hứng thú nào với camera, và những quảng cáo dạng đó sẽ không bao giờ xuất hiện nữa."
Được biết, những thay đổi mới sẽ được chạy thử nghiệm trước ở một số tài khoản người dùng nhất định.
Hãng Google không quên khẳng định rằng cơ chế quảng cáo của họ là hoàn toàn tự động, và chắc chắn không có chuyện hãng này lợi dụng thông tin cá nhân của người dùng để phục vụ cho các nhà marketing kiếm lời.
Mẹo “moi tiền” quảng cáo của AdWords
Một số nhà quảng cáo nói rằng một tính năng ít ai biết của hệ thống quảng cáo AdWords khiến người dùng bấm chuột vào quảng cáo và nhà quảng cáo phải chi bội tiền cho Google.
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn internet)
AdWords là hệ thống cho phép các quảng cáo xuất hiện bên cạnh các kết quả tìm kiếm trên Google. Theo các nhà quảng cáo, trong đó có các hãng chuyên về thiết bị y tế cao cấp, những quảng cáo của họ về các dịch vụ như phẫu thuật thẩm mỹ cũng xuất hiện ngay cả khi người dùng Google tìm kiếm các chủ đề không liên quan, như dịch vụ cắt tóc gội đầu.
Một số nhà quảng cáo thì cho rằng quảng cáo của họ bị đặt bên cạnh những kết quả tìm kiếm chẳng liên quan gì đến sản phẩm, người dùng Google hầu như chẳng bao giờ mua sản phẩm hay dịch vụ của họ sau khi click vào quảng cáo. Trong khi đó, các nhà quảng cáo phải trả tiền cho Google mỗi lần người dùng click vào một quảng cáo tìm kiếm của họ.
Jeff Dorfman, một nha sỹ ở New York, nói rằng vấn đề trên đã khiến ông lãng phí khoảng 3.000 USD chi phí quảng cáo trong tổng số 40.000 USD mà ông chi cho AdWord kể từ cuối năm 2009.
Nick Fox, Phó giám đốc quản lý sản phẩm hệ thống quảng cáo của Google, nói rằng AdWords phải làm việc trong nhiều trường hợp “quá tải, chồng chéo”.
Song, vấn đề vẫn không rõ ràng. Một số doanh nghiệp quản lý tài khoản AdWords cho các nhà quảng cáo nói rằng những click kiểu trên có thể chiếm tới hơn 10% ngân sách của AdWords. Theo các cuộc trao đổi với các nhà quảng cáo, các nhà quảng cáo ngành y tế thường dễ bị biến thành “nạn nhân” của loại click này nhất.
Vẫn chưa rõ liệu những phàn nàn về loại click “vô tình” trên có ảnh hưởng đến tình trạng tài chính chung của AdWords hay không. AdWords mang lại 24 tỷ USD doanh thu cho Google trong năm 2009. Nhưng ít nhất một nhà quảng cáo đã ngừng tài khoản AdWords sau khi phát hiện ra vấn đề, một số lại hạn chế phạm vi chiến dịch quảng cáo để tránh tối đa “những click loại trên”. Vấn nạn click bắt đầu từ giữa năm 2009, khi Google cho phép các nhà quảng cáo theo dõi báo cáo về các yêu cầu tìm kiếm liên quan đến quảng cáo của họ.
Jon Perlman, một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ, đã dừng tài khoản quảng cáo AdWords sau khi phát hiện ra ông phải trả tiền cho những cái click vô tình từ những quảng cáo xuất hiện bên các thuật ngữ tìm kiếm chẳng liên quan gì. “Với mức giá 8 USD/click, thật không hiệu quả và không công bằng”, ông Perlman nói.
Stephen Murphy, quản lý hãng PayPerClick ở Australia - kiểm soát tài khoản AdWords cho hơn 130 khách hàng - cho biết kiểu “click vô tình” này khiến các nhà quảng cáo lãng phí mất khoảng 12-14% ngân sách marketing.
Nick Fox cũng thừa nhận có hiện tượng các lệnh tìm kiếm “không liên quan đến nội dung dịch vụ quảng cáo, nhưng vì người dùng này có những lệnh tìm kiếm trước liên quan đến dịch vụ quảng cáo”. Ngoài ra, ông cho rằng “một người dùng phải có mối quan tâm nào đó họ mới click vào quảng cáo”.
Không những bị phàn nàn về việc xuất hiện bên những kết quả tìm kiếm không liên quan, hiện hệ thống AdWords còn đang bị chỉ trích trầm trọng. Cách đây vài năm, Google và Yahoo đã từng giàn xếp một số vụ kiện tập thể của các nhà quảng cáo vì họ cho rằng họ đã phải thanh toán cho những click không mang lại các khách hàng thực sự. Vấn nạn này được gọi là “click gian lận”, thường do hacker gây ra khi chúng dùng các chương trình máy tính phức tạp để tự động tạo ra các click giả mạo. Google cho biết họ đã kiểm soát được tình hình và các nhà quảng cáo không phải trả tiền cho những click gian lận mà họ dò ra.
Quảng bá trên facebook chưa "phất" tại Việt Nam
Tại nước ngoài, việc quảng bá thương hiệu trên các trang facebook có lượng thành viên đông đảo đã được nhiều doanh nghiệp nhắm đến thì tại Việt Nam đây mới chỉ là vấn đề ... "đang được tìm hiểu".
Điểm mặt trang facebook "nội" lắm fan nhất
Đâu là những trang facebook "nội" lắm thành viên nhất hiện nay? Không khó để điểm mặt chỉ tên. Theo cộng đồng chơi facebook tại Việt Nam, thì đứng hàng đầu hiện nay là cái tên "Nhật Ký" – trang facebook đang thu hút tới hơn 489.000 thành viên, được lập từ hồi tháng 2/2010 với nội dung chuyên đăng tải những bài viết đáng suy ngẫm hay đơn giản chỉ là những câu… cực ngắn để bày tỏ cảm xúc về cuộc sống của các thành viên. Thứ hai là Vietnam Travel – trang này mới ra mắt tháng 6/2010, là nơi lưu trữ và giới thiệu những tư liệu phong phú về du lịch Việt Nam, với trên 229.000 thành viên.
Các doanh nghiệp Việt vẫn chưa qua tâm tới hình thức quảng cáo trên các trang Facebook
Rồi kế đến có thể nhắc tới hàng loạt cái tên như Rạp Chiếu Phim (cũng ra mắt hồi tháng 6/2010, hiện đang là nơi giao lưu của hơn 200.000 thành viên đam mê điện ảnh), facebook Vietnam (hiện có hơn 140.000 thành viên), Fanpage Doraemon với 130.000 fan, Kênh14 (chuyên về thông tin giải trí cho giới trẻ Việt Nam ra đời từ tháng 11/2009 hiện có hơn 105.000 thành viên) hay Language Link (tổ chức giáo dục và đào tạo của Anh quốc) với hơn 100.000 thành viên tính đến ngày 12/12/2010…
Và trong số các trang facebook đình đám hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, thì không thể không nhắc tới “Thầy Phán” (một trang facebook mới nổi, nội dung chỉ chuyên về vấn đề… giải đáp mọi tò mò của mọi con người, đó là sẵn sàng gieo quẻ, bói chén, bói bài hoàn toàn “free”) đang nổi như cồn trong cộng đồng chơi facebook Việt Nam với số lượng fan cả nam và nữ “mết” thầy tính tới ngày 12/12/2010 cũng đã lên tới con số trên 87.000 người.
Hiện tại facebook đang là mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam với hàng loạt tính năng ưu việt như hỗ trợ tiếng Việt, tính cộng đồng, tương tác cao. Chính vì thế mà theo đại diện của facebookad.vn (một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo, PR truyền thông trên facebook tại Việt Nam), thì mạng xã hội facebook hiện đang trở thành nơi thăm dò sản phẩm, giải pháp rất dễ dàng cho các doanh nghiệp, tổ chức. Bởi lẽ, nó cho phép người truy cập có thể bình luận và bày tỏ ý kiến trực tiếp thẳng thắn nên doanh nghiệp có thể nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Bên cạnh đó, nếu số lượng thành viên lớn như những "hot facebook" nêu trên cũng thể hiện được uy tín của trang web, cho phép các doanh nghiệp nếu quảng cáo trên đó sẽ dễ dàng chuyển tải nội dung truyền thông nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi đến đông đảo thành viên mà không phải trả phí.
Doanh nghiệp "nội" còn thờ ơ
Về hiệu quả quảng bá trên facebook, có lẽ cũng không cần phải đề cập thêm thì nhiều người cũng đã hiểu tính năng của mạng xã hội này. Tuy nhiên, tại Việt Nam, câu chuyện "doanh nghiệp bắt tay hot facebook" còn khá èo uột.
Chỉ qua tìm hiểu cơ học đơn giản, bất cứ ai cũng có thể thấy việc quảng bá trên các trang facebook được gọi là "hot facebook", có lượng thành viên truy cập hàng đầu tại Việt Nam vẫn còn có quá ít doanh nghiệp "nội" tham gia. Như tại trang sở hữu gần nửa triệu fan là Nhật Ký, người ta có thể bắt gặp những quảng cáo của ngân hàng HSBC, Vespa Việt Nam, trang thông tin điện tử bandoc.vn hay sản phẩm bao cao su Durex, công ty giáo dục Delta Việt…, tuy nhiên những con số này cũng chỉ nằm trong giới hạn số lượng vài chục.
Tại hội thảo về thương mại điện tử do Bộ Công thương tổ chức hồi cuối tháng 11/2010 tại Hà Nội, đánh giá của đại diện Cục Thương mại điện tử và CNTT cho thấy, trong khi ở nước ngoài, các trang mạng xã hội (như facebook) nổi tiếng, có đông đảo thành viên tham gia đang là tâm điểm chú ý để quảng bá hình ảnh, thương hiệu, phát triển thương mại điện tử của cộng đồng doanh nghiệp, của các tổ chức, thì tại Việt Nam vấn đề này mới chỉ đang ở trong giai đoạn sơ khai. Câu chuyện chỉ có dấu hiệu khá hơn từ giữa năm 2010 (cùng thời điểm những trang facebook lắm fan hàng đầu Việt Nam như Nhật Ký, Vietnam Travel, Rạp Chiếu Phim, Thầy Phán… được lập), tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư thời gian tìm hiểu về dịch vụ, chi phí… cho hình thức quảng bá này nên chưa tự tin sử dụng.
Dù rằng mức độ quan tâm còn hạn chế, thế nhưng theo nhận định của các chuyên gia và những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thì từ năm 2011, quảng cáo trên facebook cũng như các mạng xã hội ăn khách khác sẽ cải thiện được chỗ đứng tại Việt Nam. Nhấn mạnh thêm, bà Thu Hằng, Giám đốc điều hành Công ty truyền thông O.P (Hà Nội) cho biết, tại thời điểm hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang đưa việc quảng bá trên facebook vào nội dung kế hoạch truyền thông, quảng bá lớn.
Google thống lĩnh thị trường quảng cáo di động Mỹ
Google đã chiếm 59% trong thị trường quảng cáo di động giá trị 877 triệu USD ở Mỹ, tăng khoảng 10%. chủ yếu nhờ vào việc mua lại AdMob, hãng nắm giữ 8,4% thị phần trong năm 2009.
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn Internet)
Apple được dự kiến chỉ chiếm chưa đầy 10% trong thị trường quảng cáo di động đã mở rộng gấp hai lần về mặt giá trị so với năm 2009.
Các nhà phân tích của IDC cho rằng không gian quảng cáo di động đang được các nhà quảng cáo coi là một công cụ tiếp thị mới nổi. IDC dự báo trị giá thị trường quảng cáo di động có thể lại tăng gấp đôi lên 2 tỷ USD.
Apple, chỉ mới bước vào thị trường quảng cáo di động trong năm 2010, đứng ở vị trí thứ hai trong năm nay phần lớn nhờ thương vụ mua Quattro Wireless hồi tháng Giêng do hãng này năm giữ thị phần 5,4% trong năm ngoái. Millennial đứng ở vị trí thứ ba với 6,8%.
Những kẻ thua cuộc gồm Yahoo với thị phần tụt từ 7% của năm 2009 xuống 5,6% trong năm 2010 trong khi thị phần của Microsoft cũng giảm từ 6,3% xuống còn 4,3%.
IDC dự kiến Google sẽ tiếp tục mở rộng thị phần của mình khi Android không ngừng phát triển trong không gian di động.
Cuộc đối đầu của các sếp công nghệ
Ngày càng có nhiều sếp công nghệ giàu có và thành công nhất nhảy vào những lĩnh vực kinh doanh đặt họ vào thế đối đầu.
Chẳng hạn, hai người đồng sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page khởi nghiệp bằng lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến - một lĩnh vực không “động chạm” gì đến hãng phần mềm Microsoft. Tuy nhiên, khi tung ra các ứng dụng Google’s Apps, họ đã bắt đầu lấn sân Microsoft, và cuộc đối đầu giữa một bên là Brin và Page, bên kia là Giám đốc điều hành (CEO) Steve Ballmer của Microsoft vì thế cũng bắt đầu.
Tạp chí Forbes đã liệt kê những cuộc đối đầu tiêu biểu nhất giữa các sếp trong làng công nghệ:
1. Sergey Brin và Larry Page (Google) đối đầu Steve Ballmer (Microsoft)
Trước đây, CEO Ballmer của Microsoft thường nhạo báng mô hình kinh doanh và chất lượng phần mềm của Google. Nhưng hiện nay, ông lại quay sang chú trọng lĩnh vực quảng cáo trực tuyến và các ứng dụng trên web dành cho doanh nghiệp, đúng như những gì mà Page và Brin làm ở Google. CEO Eric Schmidt của Google trước đây từng làm ở Sun Microsystems và Novell, cả hai công ty cùng bị Microsoft “vùi dập”.
Người trong nội bộ cho hay, đôi khi Google nhảy vào một lĩnh vực mới chỉ để “trêu ngươi” Microsoft.
2. Steve Jobs (Apple) đối đầu Michael Dell (Dell)
Apple cạnh tranh quyết liệt với nhiều đối thủ trong làng công nghệ, bao gồm các công ty giải trí (địch thủ của iTunes) và cả Microsoft khi hãng phần mềm này tung ra sản phẩm máy nghe nhạc Zune. Tuy nhiên, mối “ân oán” giữa người sáng lập Steve Jobs của Apple với người sáng lập Michael Dell của hãng máy tính Dell được xem là sâu sắc hơn cả.
Cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai bên không chỉ diễn ra trên thị trường máy tính để bàn và máy tính xách tay truyền thống mà còn xuất phát từ chiếc iPad đình đám. Chiếc máy tính bảng này của Apple đang hút mất một lượng lớn khách hàng từ thị trường máy tính xách tay, gây thiệt hại cho Dell.
3. Michael Bloomberg (Bloomberg) đối đầu Rupert Murdoch (News Corp)
Hãng tin tài chính Bloomberg của tỷ phú Michael Bloomberg, thị trưởng New York, ngày càng lớn mạnh giữa lúc tờ Wall Street Journal gần như ngủ yên. Mấy năm trước, Murdoch mua lại Wall Street Journal và tìm cách bán nội dung để giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo.
Về phần mình, Bloomberg từ lâu đã tạo nguồn thu lớn từ việc cho giới đầu tư tài chính thuê hệ thống máy móc điện tử phân bổ thông tin và dữ liệu tài chính. Mới đây, Bloomberg đã mua lại tạp chí Business Week và cải tổ tạp chí này. Biết đâu sắp tới Murdoch cũng sẽ mua lại một tạp chí nào đó.
10 lỗi CẦN tránh khi quảng cáo trực tuyến
Thay vì suốt ngày cứ phải nói về những điều cốt yếu dẫn đến thành công, chúng tôi sẽ hướng bạn đến cách Không thất bại. Dưới đây là top 10 lỗi thường gặp khi quảng cáo trên mạng mà bạn cần phải tránh:
1. Có trang web tải chậm
Một trang web Không nên mất quá 2 giây để tải thông tin. Nếu mọi người phải chờ cho thông tin được tải, có thể họ sẽ phát cáu. Điều đương nhiên là bạn Không muốn ai đó ấn tượng xấu với trang web của mình. Tránh điều này bằng cách sử dụng tất cả ảnh dùng để tải lên trang web đều dưới 100KB.( lý tưởng nhất là các ảnh đều ở dưới 100Kb).
Đăng ký vào Amazon S3 và nhận video của mình lưu trữ trên đó, sau khi chuyển chúng từ file dung lượng lớn xuống thành dung lượng nhỏ nhất bạn có thể quản lý mà Không làm ảnh hưởng tới chất lượng của file. KHÔNG NÊN có trang web toàn flash! Không tốt chút nào khi khách hàng của bạn phải chờ đợi – 3 giây và họ sẽ thoát sang trang khác.
2. Có trang web lộn xộn, thiết kế ẩu
Tất cả các mục phải được sắp xếp ngăn nắp. Bố cục của trang web phải dễ dàng điều hướng. Tất cả các trang nên được kết nối với nhau. Khi ai đó muốn tìm kiếm thông tin hoặc một điều gì đó trên trang web của bạn, họ có thể làm được điều này.
Hãy nghĩ tới việc tạo một sơ đồ vị trí cho trang. Điều này không chỉ tốt cho vị trí của trang web trong công cụ tìm kiếm, mà còn hướng dẫn người sử dụng khi họ truy cập vào trang web của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn có chức năng tìm kiếm và có đầy đủ thông tin liên lạc, họ có thể liên lạc với bạn bằng cách nào, nếu muốn biết thêm thông tin thì họ nên làm gì…
3. Không nên quên đăng ký trang web trên các công cụ tìm kiếm
Điều này có vẻ như rất ngớ ngẩn nhưng ngạc nhiên là có rất nhiều người quản trị web không thực hiện. Hãy bỏ ra chút thời gian để đăng ký trang web của bạn trên Google, Yahoo, Bing, MSN, Lycos…
4. Không cập nhật trang web hoặc trang blog mỗi ngày
Ít nhất, bạn nên cập nhật 3 đến 4 lần một tuần. Trang web của bạn có càng nhiều thông tin gốc, cơ hội để nó được xếp hàng đầu trên các công cụ tìm kiếm càng cao. Thêm vào đó, cập nhật phù hợp thể hiện sự cống hiến, điều này sẽ giúp người truy cập có một lý do đủ thuyết phục để họ truy cập tiếp.
Chú ý, mọi người thường hay bị chú ý bởi những chuyện đặc biệt. Từ quan trọng ở đây chính là giá trị. Bạn cần phải thường xuyên đăng tin mới, cập nhật tới người đọc. Chú ý rằng trang web của bạn đang bị cạnh tranh rất gắt gao trong thời đại ngày nay và đó chính là lý do bạn nên chú ý tới những gì người truy cập đã truy cập và có thông tin cập nhật theo ngày.
5. Không cho mạng xã hội một cơ hội
Bạn không hiểu về Facebook hoặc bạn cho rằng sử dụng nó làm tiêu tốn thời gian của bạn? Nhưng, bạn có biết Facebook có tới hơn 500 triệu người truy cập và hơn 50% trong số này thường đăng nhập mỗi ngày. Có nghĩa là hơn 250 triệu người bạn có thể gửi thông tin đến. Điều này thực sự ấn tượng. Ngoài ra, You Tube có tới 2 tỷ người xem mỗi ngày – nghĩa là video của bạn sẽ được xem 24 giờ mỗi ngày.
Điều này có nghĩa là bạn sẽ là kẻ khùng khi không bao gồm những điều này trong chiến lược quảng cáo của mình. Hãy sáng tạo nhất có thể khi tạo các video, hình ảnh, thông tin, phần mềm… Tạo một mối quan hệ lớn với mọi người và có bạn bè, người hâm mộ sẽ kết nối thông tin của bạn thông qua tài khoản của họ trên Twitter, Facebook, Digg và các trang mạng xã hội khác.
Ngoài ra, bạn cũng không nên quên việc đăng tải video của bạn lên YouTube và người xem sẽ giúp bạn “phát tán” video này.
6. Quảng cáo bằng Spam
Không nhất thiết phải spam trang web của bạn trên Internet. Nếu điều này là tốt và bạn thực hiện đúng mực, mọi người sẽ truy cập trang của bạn. lượng truy cập sẽ gia tăng khi bạn biết rõ mình đang làm gì. Spam trang web của bạn và thêm địa chỉ URL vào linkfarm có thể khiến trang của bạn bị báo cáo lên nhà cung cấp mạng ISP. Trang web bị cấm bởi tất cả các công cụ tìm kiếm là điều đương nhiên.
Nếu bạn nghĩ có thứ hạng cao trên blog và thêm những lời bình không rõ ràng về những điều không đâu và thêm đường link của bạn vào là một cách quảng cáo tốt thì bạn nên nghĩ lại. mạng Internet mà chúng tôi muốn bạn hướng tới nằm ở điều thứ 4, tất cả vì giá trị và nội dung. Bạn cần phải xây dựng được sự tin tưởng và mối quan hệ tốt để có thể thành công thực sự.
7. Không xây dựng danh sách khách hàng
Một lần nữa chúng ta quay lại với giá trị và nội dung, xây dựng mối quan hệ. Bạn đã quen với việc này? Danh sách của bạn là công việc kinh doanh. Nó chỉ đơn giản là vậy. Nếu không có khách hàng, sẽ không có giao dịch kinh doanh, vì vậy bạn CẦN thu thập địa chỉ email và cho vào một danh sách.
Có một danh sách khách hàng là chìa khóa tới thành công trên mạng Internet! Bạn sẽ phải gửi cho họ những cập nhật thường xuyên, thư thông báo, đường link tới blog, video mới được tạo, thông tin mới và … một khi họ tin tưởng bạn và biết rằng đây là phương thức giữ mối quan hệ để có thể cung cấp thông tin giá trị có thể giúp họ, bạn có thể gửi email khuyến mãi với sản phẩm của bạn hoặc sản phầm bạn tin tưởng. Ngoài ra, bạn còn có thể tạo một trang dành cho các thành viên hoặc tổ chức các sự kiện,… có rất nhiều cách bạn có thể sử dụng để hướng tới mục đích kiếm tiến sau đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là chất lượng của cơ sở dữ liệu về mối quan hệ của bạn với khách hàng. Nói theo cách khác là chất lượng của danh sách.
8. Lựa chọn sai sản phẩm khuyến mãi
Điều này rất đơn giản – KHÔNG NÊN BÁN NHỮNG SẢN PHẨM VÔ GIÁ TRỊ! Không nên chỉ vì lợi nhuận cao hoặc bề ngoài đẹp mà bạn có thể bán những sản phẩm vô giá trị cho khách hàng thân tin. Điều này sẽ làm mất uy tín của công ty và sẽ không ai mua hàng của bạn nữa.
Hãy lựa chọn và có hiểu biết về những sản phẩm bạn đề xuất bán, những sản phẩm mà bạn đã từng sử dụng và kiểm nghiệm giá trị của nó.
9. Không hướng đúng quảng cáo của bạn tới khách hàng tiềm năng
Đây là điều nên đọc nhất, không phải chỉ là việc hiểu điều gì đó về khách hàng của bạn, mà chỉ để hướng mục tiêu cho quảng cáo. Đó là để hướng tới nỗ lực quảng cáo của bạn, miễn phí hay phải trả tiền. Điều hiển nhiên là không phải tất cả mọi người đều cần những thứ bạn quảng cáo bán.
Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đang đi đúng hướng, xác định đúng khách hàng của bạn là ai, giới tính, tuổi tác, địa điểm, sở thích, mong muốn, mặt hàng muốn mua,…Từ đó, bạn có thể tập trung vào thông tin quảng cáo để có thể “gãi đúng chỗ ngứa” cho họ.
10. Thất bại trong việc kết nối với người khác
Điều này thực sự lớn. Không nghi ngờ gì cả, sức mạnh của sự cộng tác là một trong những chiến lược quảng cáo hiệu quả nhất mà bạn có. Vì vậy, bạn cần phải tích cực quảng cáo về công ty mình bằng cách đăng tải bài viết lên các forum, tham gia vào cộng đồng truyền thông xã hội, đưa lời bình lên các trang blog, gửi đi các bài viết….
Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu thông tin về khách hàng và các doanh nghiệp khác. Không chỉ hướng tới khách hàng tiềm năng, bạn còn phải chú ý tới việc chăm sóc khách hàng đang có. Tham gia vào các cuộc hội thoại và chia sẻ kinh nghiệm với họ.
Như vậy là chúng ta đã vượt qua 10 lỗi thường gặp khi quảng cáo trực tuyến. Tránh được những lỗi này thì chắc chắn rằng bạn sẽ thành công trong việc tạo dựng thị trường kinh doanh trực tuyến tuyệt vời.
Facebook thu nhập hơn 1 tỷ USD từ quảng cáo
Nghiên cứu cho thấy, doanh thu từ quảng cáo của Facebook sẽ đạt gần 1,3 tỷ USD trong năm 2010, trong đó riêng tại Mỹ sẽ đạt 835 triệu USD so với 665 triệu USD của năm ngoái.
Dự kiến, trong năm 2011, mức thu nhập từ quảng cáo của Facebook sẽ tăng tới 1,760 tỷ USD.
Cũng theo nghiên cứu trên, một nửa thu nhập từ quảng cáo của Facebook có được là nhờ công cụ mà trang web này đã đưa ra cho các nhà quảng cáo sử dụng để họ tạo ra và mua các tờ quảng cáo phụ đính. Điều này đã giúp Facebook bỏ xa đối thủ MySpace chỉ đạt mức thu nhập 347 triệu USD trong năm nay./.
Ấn Độ: Thương mại điện tử bắt đầu bùng nổ
Ấn Độ, quê hương của vô số kỹ sư phần mềm tài năng, lại có nền kinh tế Internet kém phát triển đến ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều này đã bắt đầu thay đổi.
Nhiều công ty Internet của Ấn Độ đang muốn trở thành những phiên bản Amazon hay Groupon.
Một loạt công ty Internet của Ấn Độ bắt đầu cung cấp những dịch vụ hiện đang phát triển rất thịnh hành ở Mỹ và nhiều thị trường khác. Nhiều công ty đang ganh đua để trở thành những phiên bản Amazon, Groupon hay Expedia của Ấn Độ, tất cả đều với một mục tiêu là kiếm tiền từ sự quan tâm đến mua sắm trực tuyến đang tăng nhanh của người dân Ấn.
Các công ty mới, như website bán sách trực tuyến Flipkart.com, hãng bán lẻ điện tử LetsBuy.com và trang web mua đồ giảm giá SnapDeal.com, đang phát triển rất nhanh và thu hút nguồn đầu tư tài chính từ những nhà đầu tư mạo hiểm lớn ở thung lũng công nghệ Silicon Valley của Mỹ như Sequoia Capital và Accel Partners. Các doanh nghiệp cho rằng tăng trưởng kinh tế trung bình 8,5% trong những năm gần đây đã tạo ra một lượng khách hàng giàu có đủ để có một thị trường Internet mạnh.
Mức độ thâm nhập Internet ở Ấn Độ cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Nước này có 71 triệu người dùng Internet vào năm 2009 (thống kê Internet mới nhất hiện có), chiếm khoảng 5% dân số. Nhưng các số liệu gần đây ước tính số người dùng Internet của Ấn Độ hiện nay đạt khoảng 80-100 triệu người dùng và các phân tích dự đoán mức độ sử dụng Internet sẽ phát triển cực nhanh khi các nhà mạng của nước này bắt đầu ra mắt các mạng băng rộng thế hệ thứ 3 (3G) trong vài tháng tới.
Có lẽ điều quan trọng nhất, theo các nhà phân tích, là các nhà đầu tư Internet và các công ty của Ấn Độ đều có quan điểm chung rằng làm ăn ở nước này đòi hỏi phải nhắm đến cả “phần đáy của hình tháp”, đó là những khách hàng ở những thành phố và thị trấn nhỏ.
Kanwaljit Singh, Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Helion Venture Partners, cho rằng thương mại điện tử không chỉ đang tăng trưởng ở những trung tâm lớn như Delhi và Mumbai mà cả ở những thị trường cấp hai và cấp ba nơi không có sự hiện diện đáng kể của những nhà bán lẻ truyền thống. “Nếu tôi sống ở thị trấn nhỏ và muốn mua một cuốn sách không có trong top 100, sẽ không có cửa hàng sách nào bán nó nhưng các website như Flipkart lại có”, Kanwaljit Singh nói.
Flipkart được thành lập vào năm 2007 bởi hai kỹ sư phần mềm Sachin Bansal và Binny Bansal, cả hai đều bỏ việc ở văn phòng Ấn Độ của tập đoàn thương mại điện tử Amazon để mở công ty riêng trong một chung cư nhỏ ở Bangalore. Công ty này hiện có hơn 10 triệu tựa sách và còn bán cả điện thoại di động, phim và game.
“Chúng tôi muốn là Amazon.com của Ấn Độ”, Sachin Bansal (29 tuổi) nói. “Chúng tôi rất ngưỡng mộ Amazon”. Sachin Bansal dự tính 20 triệu USD doanh thu công ty này đạt được vào cuối tháng 3 vừa qua sẽ tăng lên gấp 5 lần trong năm tới. Người sáng lập của Flipkart cho rằng ở thời điểm hiện tại tăng trưởng là mục tiêu được ưu tiên cao hơn lợi nhuận.
Mặc dù vậy, điều hành công ty Internet ở Ấn Độ vẫn là vấn đề đau đầu. Nước này có tỷ lệ lớn người dân không có tài khoản ngân hàng, do đó các công ty phải giao dịch bằng tiền mặt ở bất kỳ đâu. Thiếu hệ thống giao thông tốt ở những thành phố nhỏ và thị trấn cũng làm cho việc vận chuyển hàng hóa khó khăn. Chính vì vậy, đa số công ty thương mại điện tử kể cả Flipkart không dám đảm bảo giao hàng đúng hạn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự đoán ngành kinh tế Internet của Ấn Độ sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm tới. Trong nghiên cứu năm ngoái, ngân hàng đầu tư Caris & Co dự đoán Ấn Độ sẽ có 180-200 triệu người dùng Internet vào năm 2015, tức khoảng 18% dân số. Mua sắm trực tuyến dự tính sẽ tăng lên 5 tỷ USD vào năm 2012 từ con số 1,4 tỷ USD vào năm ngoái, một tỷ lệ rất nhỏ tổng doanh số 350 tỷ USD của ngành bán lẻ Ấn Độ.
Có ít nhất hơn chục website mua sắm theo nhóm và săn hàng giảm giá theo mô hình Groupon của Mỹ đang hoạt động ở Ấn Độ. SnapDeal.com, ra mắt năm ngoái bởi doanh nhân người Ấn Kunal Bahl, cung cấp nhiều loại hàng hóa giảm giá từ nước hoa cao cấp đến các vé chăm sóc sắc đẹp ở 45 thành phố của Ấn Độ. Website này kiếm được khoảng 30% hoa hồng trên doanh số giao dịch trên website. “Có nhiều người dùng ở tầng lớp trung lưu đủ để hỗ trợ phát triển trong nhiều năm tới”, Kunal Bahl nói.
Loạn phí dịch vụ mua hàng từ nước ngoài
Mức thuế và phí dịch vụ khi mua một món hàng công nghệ từ nước ngoài tại các diễn đàn "nhận mua hàng từ Mỹ" và tại eBay Việt Nam có mức chênh lệch lên tới hàng triệu đồng.
Mấy năm trước đây, việc mua hàng trên các trang bán hàng quốc tế lớn như eBay, amazon… rất khó khăn bởi những rào cản về vận chuyển, thanh toán. Một vài năm trở lại đây, với việc việc ra mắt website ebay.vn do eBay quốc tế hợp tác với Peacesoft (ebay Việt Nam) cũng như rất nhiều chủ đề “Nhận đặt mua hàng, ship hàng từ các trang web (eBay, amazon..)” xuất hiện trên các diễn đàn, việc mua hàng trên các trang web quốc tế ở Việt Nam đã trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.
Chênh lệch cả chục triệu đồng
Anh Minh, nhân viên của một công ty viễn thông lớn ở Hà Nội, đang có nhu cầu tìm mua chiếc tai nghe Grado Sr80i (có giá 99USD) trên Amazon. Anh Minh đã liên hệ với eBay Việt Nam để nhờ mua giúp và được báo giá chiếc tai nghe này với giá 146,6 USD (khoảng hơn 3 triệu đồng), bao gồm thêm 30 USD tiền thuế và 17,6 USD tiền dịch vụ. Trao đổi với bạn bè, anh Minh được giới thiệu một topic nhận mua hàng từ Mỹ trên diễn đàn Vozforums của Công ty xuất nhập khẩu Hoàng Nam. Nếu như ở trang web eBay Việt Nam, dưới mỗi sản phẩm đều có mức thuế và phí dịch vụ tương ứng thì topic nhận mua hàng trên diễn đàn lại ghi mức phí theo loại hình sản phẩm. Như chiếc tai nghe Grado Sr80i của anh Minh nằm ở loại sản phẩm tai nghe dưới 100 USD nên sẽ chịu mức phí trong khoảng từ 15 USD cho đến 30 USD (rẻ hơn trên eBay Việt Nam).
Chị Dương (Ba Đình – Hà Nội) cũng đang tìm mua chiếc netbook ASUS Eee trên ebay. Sau khi khảo giá trên eBay Việt Nam, sản phẩm này có giá khoảng 8,3 triệu đồng, trong đó có 36 USD tiền thuế và 45 USD tiền phí dịch vụ. Tuy nhiên, với chiếc netbook này, phí mua hàng trên các gian hàng của các công ty xuất nhập khẩu trên diễn đàn lại lên đến 100 USD (cao hơn hẳn mức giá trên eBay Việt Nam).
Phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam đã thử tìm kiếm giá những sản phẩm khác trên eBay Việt Nam để so sánh với mức phí mà Công ty xuất nhập khẩu Hoàng Nam đưa ra. Ví dụ như chiếc LCD Sony KDL32EX600 32" LCD TV With Edge LED, giá trên ebay Việt Nam tổng cộng là 1073,19 USD (cao hơn 153 USD so với mức giá của Công ty Hoàng Nam) hay thân máy Canon 60D, giá trên eBay ở mức 1331 USD, trong đó 512 USD là phí dịch vụ và thuế, trong khi mức thuế và phí dịch vụ của công ty Hoàng Nam đưa ra chỉ có 80 USD, mức chênh lệch lên tới cả chục triệu đồng.
Đâu là nguyên nhân?
Theo một số chủ gian hàng trên diễn đàn, sở dĩ họ có giá tốt hơn eBay Việt Nam là do đã “thương lượng” với hải quan, còn ebay Việt Nam theo con đường “chính ngạch”dẫn đến mức thuế cao hơn.
Bà Đào Lan Hương, Giám đốc phụ trách mảng Thương mại điện tử Công ty PeaceSoft (đơn vị quản lý eBay Việt Nam) cho biết, eBay Việt Nam không phân chia chi tiết cụ thể như màn hình LCD từ 21 inh trở xuống hay tai nghe dưới 100 USD… như các gian hàng “nhận mua hàng từ Mỹ về” ở các diễn đàn áp dụng mà chia theo danh mục hàng hoá giống eBay toàn cầu, áp dụng mức thuế chung cho LCD, tai nghe… “Vì thế, chắc chắn sẽ có những sản phẩm mà eBay Việt Nam giá tốt hơn và ngược lại. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự chênh lệch về mức giá”, bà Hương cho biết thêm.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, do phân chia mức thuế theo danh mục nên có một số trường hợp do người bán đăng ở những danh mục khác nhau, do đó dẫn đến mức giá cao hơn. “Tốt nhất, khách hàng nên gửi đường dẫn sản phẩm cho chúng tôi để tính toán cụ thể chi phí”, bà Hương nhấn mạnh.
Theo bà Hương, EBay Việt Nam liên kết với eBay toàn cầu nên những trường hợp người bán có dấu hiệu gian lận, hàng có chất lượng không như cam kết sẽ dễ dàng giải quyết , bảo đảm cho khách hàng hơn.
Đối với những mặt hàng eBay Việt Nam giá cao hơn, dựa trên phản hồi của người mua, đơn vị này sẽ tiếp tục điều chỉnh phù hợp nhất với thị trường. “Từ khi ra mắt đến nay, chúng tôi đã liên tục có sự điều chỉnh kể cả về biểu thuế, tỷ giá, phương pháp tính để theo kịp sự thay đổi”, bà Hương khẳng định.
Baidu đã khai tử website thương mại điện tử Youa
Hôm 31/3, tập đoàn sở hữu cỗ máy tìm kiếm phổ nhất Trung Quốc Baidu thông báo họ sẽ hủy bỏ gian hàng thương mại trực tuyến Youa của mình, và sẽ di chuyển người sử dụng của Youa sang những nền tảng khác.
Quá trình hủy bỏ trên sẽ được thực hiện vào tháng Năm tới, và những khách hàng kinh doanh trên Youa sẽ được Baidu "di trú" sang hai dịch vụ Rakuten China và Yaodian100.
Rakuten China là liên doanh giữa Baidu và nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật Bản, Rakuten Inc.
Phát ngôn viên của Baidu cho hay: "Việc chấm dứt Youa không có nghĩa là Baidu rút khỏi lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu và phát triển một nền tảng mới để phục vụ khách hàng tốt hơn trong tương lai."
Từ khi ra đời, Youa đã được kỳ vọng sẽ là một đối thủ xứng tầm với trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Taobao (trực thuộc tập đoàn Alibaba).
Song, Youa đã không thành công trong việc lôi kéo người tiêu dùng, khi phần đông người Trung Quốc đã quá quen thuộc và gắn bó chặt chẽ với Taobao.
Hiện trang web được mệnh danh là "eBay của Trung Quốc" này đang chiếm tới hơn 70% thị phần thương mại điện tử nơi đây.
Với sự "khai tử" ở trên của Youa, Taobao sẽ tiếp tục củng cố được ngôi vị thống trị của mình trên thị trường kinh doanh số hóa của đất nước đông dân nhất thế giới.
Web rao vặt vô tư rao bán hàng nhái
Từ các trang thương mại điện tử đến website của các doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động... đâu đâu cũng có thể bắt gặp tình trạng rao bán điện thoại “nhái” các thương hiệu nổi tiếng.
Ảnh minh họa.
Rao bán hàng “nhái” vô tư
Chỉ cần vào trang web thương mại điện tử chodientu.vn, chọn mục sản phẩm là điện thoại di động, người dùng sẽ choáng ngợp với các sản phẩm điện thoại cao cấp như Nokia, iPhone... được bán với giá rất rẻ. Chẳng hạn như một chiếc iPhone 4, cảm ứng đa điểm có mức giá chỉ hơn 3 triệu đồng, hay chiếc Nokia N8 chỉ có giá 2 triệu đồng... Đây đều là những chiếc điện thoại có xuất xứ từ Trung Quốc và là hàng nhái, giả các thương hiệu nổi tiếng đang có trên thị trường.
Tương tự, tại trang enbac.com, đơn vị chủ quản là Công ty Cổ phần truyền thông VCCorp, vào mục điện thoại, người dùng chọn dãy sản phẩm Hồng Kông/Trung Quốc cũng sẽ choáng ngợp với những chiếc điện thoại gắn trên mình những thương hiệu như Nokia, Mobiado, Vertu, iPhone... được rao bán với những mức giá “bèo”.
Bên cạnh các website hoạt động theo dạng thương mại điện tử rao bán các sản phẩm điện thoại giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng như trên, việc buôn bán các sản phẩm này trên mạng còn lộ liễu hơn, khi nhiều doanh nghiệp còn xây dựng cả website để kinh doanh mặt hàng này.
Cụ thể, vào website dienthoaithoitrang.vn của doanh nghiệp Tân Phước Telecom có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, người dùng gần như hoa mắt khi ở danh mục sản phẩm, công ty này rao bán điện thoại giả, nhái của hầu hết các thương hiệu điện thoại đang có mặt trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh giá rẻ, công ty này còn đưa ra nhiều chương trình giảm giá, cũng như tặng thẻ nhớ để thu hút khách hàng. Hay tại trang web vienthonghd.com của Công ty Hoàng Dương Mobile có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, những chiếc điện thoại gắn trên mình các thương hiệu như Nokia, Samsung, iPhone... cũng được rao bán một cách có bài bản trên trang web với hình thức thanh toán trực tuyến được hướng dẫn rất kỹ lưỡng.
Bên cạnh các trang web trên, tại rất nhiều các trang web rao vặt trong nước, người dùng cũng dễ dàng bắt gặp tình trạng rao bán hàng giả, hàng nhái này một cách vô tư từ các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang vi phạm luật
Với việc đưa các thông tin rao bán, quảng cáo các hàng nhái, giả thương hiệu các hãng nổi tiếng như trên có thể nói các doanh nghiệp đều đang phạm luật. Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định, mọi hành vi trao đổi, cung cấp, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục cấm đều là vi phạm pháp luật. Các website kinh doanh trên môi trường mạng phải có trách nhiệm quản lý những nội dung thể hiện trên trang của họ. Vì thế, việc cho phép các thành viên hoặc người sử dụng quảng bá công khai hàng nhái, hàng kém chất lượng là sai quy định.
Theo Nghị định 63/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT, các hành vi giả mạo, cung cấp thông tin sai sự thật để lừa đảo, bán hàng, mua hàng qua mạng sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu số tiền thu lợi bất chính đối với vi phạm nêu trên.
Một số doanh nghiệp cho rằng họ không cung cấp thông tin sai sự thật vì có nói rõ là hàng copy, hàng nhái, tuy nhiên cách nói thế cũng chẳng khác nào là “há miệng mắc quai”. Bởi hàng nhái, hàng kém chất lượng đều bị cấm kinh doanh và lưu thông, do đó các hành vi rao bán, kinh doanh trên mạng như trên cũng đều vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cũng có thể khẳng định các doanh nghiệp trên đang kinh doanh hàng giả vì Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại cũng nêu rõ: Hàng giả là những hàng giả chất lượng và công dụng, giả mạo nhãn hiệu hàng hoá, giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ về việc sử dụng nhãn hiệu mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đó... Như vậy có thể nói, tất cả các định nghĩa đều cho thấy các loại điện thoại trên đều là hàng giả.
Hiệu quả từ bán hàng trực tiếp
Bán hàng thông qua lực lượng bán hàng trực tiếp (BHTT) là phương thức bán hàng đã đem lại hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp. Đối với Bưu chính Việt Nam, đây vẫn là một hình thức mới mẻ.
Bán hàng trực tiếp là kênh bán hàng mũi nhọn mà Bưu điện TP.HCM lựa chọn.
“Cũ người mới ta”
Từ trước đến nay, bưu cục vẫn là hình thức bán hàng chính của Bưu điện. Đặc điểm của bán hàng tại bưu cục (điểm giao dịch, cửa hàng, showroom) là sự cụ thể hóa hình ảnh sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp (DN), đồng thời còn tạo điều kiện cho DN cung cấp trọn gói sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, DN lại bị động vì phải chờ đợi khách hàng đến giao dịch khi thật sự có nhu cầu.
Trên thực tế, nhiều DN (không kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính) ngoài kênh bán hàng tại điểm giao dịch, thì việc tiếp cận khách hàng thông qua lực lượng BHTT được thực hiện khá mạnh. Dễ dàng thấy rằng, với BHTT, DN vừa tạo thêm kênh tiếp cận khách hàng vừa tiết kiệm được các loại chi phí như: mặt bằng để mở điểm giao dịch, văn phòng… Không những thế, doanh thu do nhân viên BHTT mang về thường cao hơn, do đặc điểm các nhân viên BHTT thường tiếp xúc với khách hàng DN là chủ yếu. Như vậy, bán hàng tại điểm giao dịch phù hợp với các khách hàng cá nhân, còn BHTT phù hợp với khách hàng tổ chức, DN.
Với BĐ TP.HCM, bộ phận chuyên trách BHTT được thành lập từ tháng 8/2008. Điểm đặt biệt là lực lượng này chỉ tập trung bán hàng dịch vụ thuần bưu chính – chuyển phát cho khách hàng mục tiêu là các tổ chức, DN trên địa bàn. Bước đầu bộ phận BHTT gặp không ít khó khăn do nhân lực và kinh nghiệm hầu như không có. BĐ TP.HCM đã thực hiện tuyển chọn từ lực lượng giao dịch viên có chuyên môn vững, am hiểu sâu sắc về dịch vụ, kỹ năng giao tiếp tốt. Sau tuyển chọn, các nhân viên BHTT được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, phát triển khả năng thuyết phục, bán hàng để đảm bảo phục vụ tốt khách hàng.
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng thị trường, BĐ TP.HCM đã tổ chức lực lượng BHTT theo các đơn vị trực thuộc và phân chia địa bàn để tránh tình trạng tiếp thị chéo và tiếp thị trùng khách hàng. Hàng tháng, quý, các nhân viên BHTT được giao định mức doanh số phải hoàn thành theo khu vực được phân công. Doanh số được chia làm hai nhóm: doanh số từ khách hàng hiện hữu và từ khách hàng mới tiếp thị được trong tháng. Việc giao định mức doanh số vừa giúp đảm bảo hoàn thành kế hoạch SXKD, vừa giúp các nhân viên BHTT có mục tiêu để thực hiện một cách rõ ràng. Thực tế cho thấy, mô hình BHTT đã mang lại hiệu quả cho BĐ TP.HCM.
Khẳng định hiệu quả
Sau hơn 2 năm thử nghiệm, đến nay mô hình bán hàng mới tại BĐ TP.HCM hoạt động ổn định và dần đi vào chuyên nghiệp với 28 nhân viên BHTT. Bên cạnh doanh số khách hàng hiện hữu, mỗi nhân viên BHTT trung bình mang về doanh số hơn 60 triệu đồng/tháng từ khách hàng mới. Liên tục trong hai năm 2009 - 2010, tỉ trọng doanh thu dịch vụ bưu chính – chuyển phát tại BĐ TP.HCM luôn chiếm hơn 70% tổng doanh thu toàn đơn vị. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bưu chính – chuyển phát trong hai năm trở lại đây của đơn vị đều đạt trên 35%/năm.
Thực tế triển khai tại BĐ TP.HCM đã cho thấy, khác với kênh bán hàng tại bưu cục, kênh BHTT phát huy tốt tính chủ động tiếp cận và “tấn công” khách hàng. Thông qua kênh bán hàng này, BĐ TP.HCM đã thực hiện tiếp thị và bán hàng thành công cho nhiều DN lớn trên địa bàn như: Cocacola, Ngân hàng ANZ, Prudential, AIA, ACE life, Unilever, Yellow pages, MobiFone, Dutch Lady…
Bên cạnh mục tiêu tiếp thị tìm kiếm khách hàng mới thông qua kênh BHTT, BĐ TP.HCM cũng đề ra yêu cầu coi công tác chăm sóc khách hàng như một thách thức nhằm giữ chân khách hàng hiện tại. Các chính sách ưu đãi dành cho các tổ chức, DN sử dụng dịch vụ chuyển phát của đơn vị được đưa ra để tạo mối quan hệ gắn bó thân thiết và thực hiện phân công cụ thể cá nhân làm đầu mối chăm sóc các khách hàng lớn để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai các kênh bán hàng, bà Đặng Thị Nga – Phó Giám đốc phụ trách BĐ TP.HCM cho biết: “Với mục tiêu tăng tốc và chiếm lĩnh thị trường, BĐ TP.HCM đã xây dựng đa dạng các kênh bán hàng, trong đó bưu cục là kênh bán hàng chủ lực; lực lượng BHTT là kênh bán hàng mũi nhọn, chủ động tiếp cận những khách hàng lớn, tiên phong tìm kiếm khách hàng mới; cùng với các kênh bán hàng qua mạng Internet, điện thoại nhằm tạo ra nhiều cầu nối giữa khách hàng với đơn vị. Ngoài môi trường làm việc thân thiện, năng động thì việc xây dựng chính sách tạo động lực khuyến khích nhân viên BHTT hoàn thành chỉ tiêu doanh số luôn được BĐ TP.HCM quan tâm. Thu nhập của nhân viên BHTT sẽ được nâng cao dựa trên doanh số khách hàng mới”.
Hà Nội sẽ lập sàn giao dịch thương mại điện tử
Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở thông tin-truyền thông Hà Nội cho biết, hiện nay các đơn vị liên quan đang triển khai Sàn giao dịch Thương mại thành phố Hà Nội (Sàn giao dịch) hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch này, thành phố sẽ cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp giới thiệu thông tin tóm tắt về doanh nghiệp, hình ảnh và mô tả kỹ thuật của sản phẩm bằng hai thứ tiếng Anh và tiếng Việt trên Sàn giao dịch; đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp quản trị gian hàng và sử dụng các công cụ để tiến hành các giao dịch với khách hàng thông qua Sàn giao dịch; kết nối website của doanh nghiệp xuất khẩu với Sàn giao dịch; gắn kết Sàn giao dịch với Trang thông tin liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp trong vùng; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp...
Thành phố cũng sẽ xây dựng mô hình mẫu về ứng dụng công nghệ thông tin tại một số doanh nghiệp trọng điểm. Trước mắt, thành phố sẽ lấy Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) làm nòng cốt, bên cạnh đó sẽ tổ chức giải thưởng dành cho các doanh nghiệp có thành tích tốt trong ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó phổ biến và giới thiệu các kinh nghiệm trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong năm 2010, Sở thông tin và truyền thông đã khảo sát hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin ở 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố; kết quả cho thấy 99% doanh nghiệp đã xây dựng và sử dụng mạng nội bộ.
Các doanh nghiệp đã triển khai phần mềm văn phòng, kế toán, nhân sự, tiền lương...; có tới 77% số doanh nghiệp có website để giới thiệu về doanh nghiệp, còn các dịch vụ khác như giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua mạng, trao đổi thông tin với khách hàng... còn hạn chế. Đa số các cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp đều sử dụng thư điện tử để giao dịch, trao đổi công việc với khách hàng, đối tác.
Đối với các dịch vụ công mà doanh nghiệp tham gia qua mạng phần lớn là việc đăng ký kê khai thuế và các dịch vụ khác như đăng ký kinh doanh, thủ tục đăng ký khai báo hải quan.
Xuất khẩu vào Hoa Kỳ bằng thương mại điện tử
Mỹ là đất nước ứng dụng thương mại điện tử lớn nhất thế giới song các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng công cụ này để tiếp cận thị trường này phục vụ xuất khẩu.
May mặc là một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều sang Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn khá khiêm tốn. Có thể lý giải do Mỹ là một trong những thị trường ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất thế giới (tổng giá trị giao dịch TMĐT của Bắc Mỹ và châu Âu chiếm 80% tổng giá trị giao dịch TMĐT toàn cầu) song các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng công cụ này để tiếp cận thị trường Mỹ phục vụ xuất khẩu.
Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ thông qua TMĐT” do Công ty OSB, tập đoàn Alibaba.com và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ tổ chức ngày 30/3/2011 tại Hà Nội sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về thị trường Mỹ, khả năng ứng dụng TMĐT để khai thác hiệu quả thị trường này.
Tại đây, đại diện Vụ Châu Mỹ, Bộ Công thương cũng sẽ chia sẻ những cơ hội và thách thức khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế; đại diện Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu vai trò của TMĐT trong xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Buổi chiều cùng ngày, Công ty OSB cũng sẽ tổ chức tư vấn và đào tạo cho các doanh nghiệp về dịch vụ Gold Supplier của Alibaba.com, các chức năng và cách thức khai thác Alibaba.com nhằm tăng hiệu quả trong giao dịch TMĐT.
Vĩnh Long dự tính chi hơn 1.200 tỷ đồng phát triển TMĐT
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 với đầu tư tới hơn 1.200 tỷ đồng.
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn internet)
Theo kế hoạch, Vĩnh Long sẽ đầu tư 1.225 tỷ đồng để phát triển TMĐT trong giai đoạn 2011 – 2015. Nội dung chủ yếu là tập trung phối hợp với các phương tiện thông tin truyền thông tuyên truyền về TMĐT, tổ chức đào tạo kỹ năng về TMĐT cho các doanh nghiệp (DN), hỗ trợ DN xây dựng website và tham gia vào cổng TMĐT quốc gia…
Cụ thể, mục tiêu về TMĐT của Vĩnh Long đến năm 2015 là có trên 50% cán bộ quản lý nhà nước và DN biết đến lợi ích của TMĐT; 50% DN tiến hành giao dịch TMĐT loại hình DN với người tiêu dùng hoặc DN với DN, trong đó có 100% DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin, 50% DN có trang thông tin điện tử, 30% DN tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, và sẽ có 10% - 20% DN ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh; bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT loại hình DN với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.343 DN ứng dụng TMĐT ở nhiều mức độ khác nhau, chiếm 53% số DN toàn tỉnh, trong đó 120 DN có trang thông tin điện tử. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều khóa tập huấn, đào tạo về TMĐT cho các doanh nghiệp.
eBay đổ tiền vào thương mại trực tuyến Việt Nam
Ngày 15/3, Tập đoàn thương mại trực tuyến eBay đã chính thức đạt được thỏa thuận mua 20% cổ phần của Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm Hòa Bình [PeaceSoft - được biết đến với thương hiệu chodientu.vn - PV].
Đây là một bước tiến quan trọng trong sự hợp tác của hai đơn vị này, bởi vào năm 2008 PeaceSoft và eBay đã đạt được thỏa thuận trong việc sử dụng thương hiệu và một số công nghệ. Và, phía PeaceSoft đã cho ra đời website ebay.vn, tạo điều kiện giao thương toàn cầu cho người Việt Nam và người bán trên khắp thế giới của eBay...
Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc PeaceSoft cho hay, thỏa thuận đầu tư này giúp PeaceSoft tiếp tục phát triển nền thương mại điện tử trong nước và mở rộng ra thị trường quốc tế với vai trò là cầu nối thương mại thông qua mạng lưới toàn cầu của eBay.
Chi tiết về giá trị 20% cổ phiếu không được tiết lộ.
Ông Jay Lee, Tổng Giám đốc eBay khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, trong ba năm qua, PeaceSoft và eBay đã đạt được những sự hợp tác quan trọng.
"Việc eBay mua cổ phần của PeaceSoft là sự đầu tư hợp lý. Mối quan hệ đầu tư này sẽ đem đến cho eBay cơ hội tham gia sâu rộng vào thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam," ông nói.
Vị đại diên của eBay cũng tin tưởng, với số lượng người sử dụng Internet bằng một phần ba dân số tại Việt Nam, cơ hội cho thương mại trực tuyến sẽ là rất lớn.
Cùng ngày, PeaceSoft đã cho ra mắt Nganluong.vn, phiên bản 2.0. Đây là ví điện tử và cổng thanh toán trực tuyến dành cho thương mại điện tử, được xây dựng theo mô hình của mạng thanh toán PayPal (Mỹ). Theo đó, người mua sẽ nạp tiền vào ví điện tử của mình thông qua Internet để trả các hóa đơn mua hàng trực tuyến. Người bán có thể rút tiền từ ví về tài khoản ngân hàng bất kỳ lúc nào. Điều đáng chú ý là, người mua hàng khi thanh toán sẽ được bảo vệ an toàn thông qua chế độ "Thanh toán tạm giữ." Người bán chỉ rút tiền được khi người mua xác nhận đã nhận hàng theo đúng mô tả với hệ thống. Phí giao dịch qua nganluong.vn là 1.000 đồng + 1% giá trị giao dịch. Số tiền này sẽ được thu từ người bán hàng. |
| ||||
|
TMĐT: Thách thức ở Việt Nam
Thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn phát triển theo chiều rộng mà chưa chú trọng chiều sâu. Dù tăng trưởng khá cao và đa dạng về ngành hàng nhưng TMĐT vẫn thiếu một “đầu tàu” dẫn dắt thị trường.
Sự phát triển về hạ tầng công nghệ thông tin cùng số người sử dụng Internet, cộng với những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng nhanh chóng số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử trong thời gian gần đây.
Những bước khởi đầu khả quan
Theo khảo sát của Công ty Vinalink, ở Việt Nam hiện có khoảng 9.300 trang web B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) cung cấp các hình thức mua bán thông qua việc đặt hàng trên trang web hoặc qua điện thoại với doanh thu vào khoảng 450 triệu đô-la Mỹ, chiếm 0,5% GDP. Còn về loại hình B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp), có gần 3.000 doanh nghiệp với doanh thu khoảng 1,5 tỷ đô-la Mỹ. Như vậy, làm một phép cộng đơn giản có thể thấy cả B2B và B2C đã chiếm gần 2,5% GDP.
Còn tại nước láng giềng Trung Quốc, giá trị giao dịch trên Internet trong một ngày đã đạt 100 triệu đô-la Mỹ. Xét về tương quan dân số, tiềm năng thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Ngoài sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp thì sự tăng trưởng về ngành nghề kinh doanh thương mại điện tử cũng mang lại một cái nhìn lạc quan. Từ hàng tiêu dùng, điện máy, sách báo cho đến các hàng hóa nội dung số, dịch vụ giá trị gia tăng đều có mặt trong danh mục kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam.
Đến nay, lĩnh vực này cũng không còn xa lạ với người sử dụng tại Việt Nam như giai đoạn ban đầu 2000-2005. Đa số các doanh nghiệp đều có trang web và đa số người tiêu dùng thành thị đều sử dụng Internet để tìm kiếm mặt hàng họ cần. Tuy nhiên, bên cạnh những bước đầu khả quan đó, vẫn còn một khoảng cách lớn từ việc sử dụng Internet tìm kiếm hàng hóa đến việc giao dịch trực tuyến thật sự. Thương mại điện tử ở Việt Nam còn đang mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chưa có sự phát triển chiều sâu và tạo thành sự đột phá về thị trường như tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Cải thiện tốc độ Internet tăng chất lượng VoIP
VoIP là công nghệ mới sử dụng kết nối Internet để truyền dữ liệu qua đường Internet ở dạng tín hiệu số. Đây là lý do tại sao truyền hình và các dịch vụ điện thoại đã trở nên phụ thuộc vào Internet tốc độ cao. Các dịch vụ điện thoại và truyền hình làm việc thông qua internet được gọi là dịch vụ VoIP và IPTV.
Hầu hết những người dùng cho rằng dịch vụ IPTV và VoIP bị các vấn đề ảnh hưởng là do điện thoại, tuy nhiên thực tế cho rằng hầu hết các vấn đề xảy ra với dịch vụ là do đường truyền Internet của bạn. Khi gọi VoIP và chia sẻ IP truyền hình Internet cùng một dòng, nó sẽ trở thành một điều cần thiết cơ bản của cuộc sống để giữ cho các kết nối Internet có tốc độ chạy rất tốt.
Bạn có thể cải thiện hiệu suất mạng dịch vụ thoại của mình mà không cần giúp đỡ nếu bạn đảm bảo những điều dưới đây.
Tiến sát đến modem
Điều này thực hiện khi bạn sử dụng một dịch vụ băng thông rộng không dây. Tất cả những gì bạn cần là giữ điện thoại, tivi và máy tính ngày càng gần với modem của mình. Cách làm này hầu hết cải thiện rất nhiều tốc độ thoại của bạn.
Kiểm tra các tuyến của phần mở rộng
Một vấn đề khác là việc mở rộng dòng. Nó có nghĩa là số lượng các đường dây điện thoại cho phép kết nối với các thiết bị khác thông qua các jack cắm điện thoại trong căn phòng hoặc văn phòng của bạn. Hầu hết, việc mở rộng đường dây và jack cắm không có vấn đề. Tuy nhiên, có chút lưu ý là một thành phần mở rộng nhỏ có thể làm phiền đến điện thoại, truyền hình cũng như dịch vụ Internet.
Giữ router trên một socket chính
Công thức duy nhất để tăng hoặc cải thiện tốc độ Internet của bạn là giảm khoảng cách giữa các router với thiết bị thoại, hãy đảm bảo nó giữ nguyên thông qua một socket giữ. Sau đó bạn hãy gắn chặt nó trên socket và sử dụng dây cáp nối càng ngắn càng tốt.
Kiểm tra các thiết bị khác
Đôi khi các thiết bị khác của gia đình có thể gây xáo trộn văn phòng phục vụ Internet của bạn, do đó bạn nên kiểm tra xem chúng đã tốt hay chưa. Chỉ cần tắt tất cả các thiết bị từng thứ một, sau đó tắt những thứ không dùng đến mà có khả năng có ảnh hưởng đến công việc kết nối của bạn.
Hãy thử một dây/cáp
Mặc dù việc sử dụng Internet thông qua các dây/cáp không có quy định riêng nhưng ít ra bạn cũng nên thử nó một vài phút trước khi quyết định chọn loại dây/cáp thích hợp.
Cài đặt bản cập nhật
Hãy xem xét hệ thống máy tính của bạn sao cho nó đảm bảo mọi thứ mới nhất. Bên cạnh việc cập nhật phần mềm mới, bạn có thể truy cập vào trang web của hãng sản xuất modem để tiến hành cập nhật firmware mới cho nó. Điều này cũng được xác nhận bởi nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Thiết lập mật khẩu an toàn
Hãy đảm bảo mật khẩu kết nối không dây của bạn là 100% an toàn. Có thể một ai đó là hàng xóm của bạn phát hiện các mật khẩu của bạn dễ dàng, từ đó họ sử dụng dịch vụ Internet của bạn và làm chậm đường truyền Internet. Bạn không chỉ đảm bảo rằng mật khẩu của mình được bảo vệ mà còn đảm bảo rằng nó không phải là tên của một con chó, con mèo hoặc một cái gì đó dễ dàng tương tự.
Thay đổi trình duyệt
Đôi khi Internet chậm lại do một vấn đề trong trình duyệt máy tính. Mặc dù có nhiều trình duyệt có sẵn trên thị trường nhưng kinh nghiệm cho thấy Chrome của Google là nhanh hơn so với tất cả các trình duyệt khác. Tuy nhiên, bạn có thể thử trình duyệt khác nhau để kiểm tra và so sánh các tốc độ.
Thay thế modem
Modem cũ là một trong những nguyên nhân khiến cho tốc độ Internet chậm lại. Bạn có thể thay đổi modem mới tốt hơn sau mỗi một hoặc hai năm sử dụng.
Gọi dịch vụ hỗ trợ
Ngoài các yếu tốt nói trên, bạn cũng có thể liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ VoIP để nhờ họ giúp đỡ. Hãy đưa ra các câu hỏi để nhận được bất kỳ một lời giải đáp nào chấp nhận được. Bên cạnh đó bạn cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của mình.
Thiết lập VPN riêng không cần phần mềm đắt tiền
Quản trị mạng – Nếu muốn truy cập an toàn đến mạng khi ở ngoài văn phòng, bạn có thể sử dụng giải pháp mạng riêng ảo (VPN). Với giải pháp này bạn có thể kết nối thông qua Internet và truy cập một cách an toàn vào các file cũng như tài nguyên chia sẻ của mình. Không cần phải mua một máy chủ VPN đắt tiền nếu bạn không có nhiều người dùng. Hệ điều hành Windows chính thức có cung cấp chức năng máy chủ và máy khách VPN.
Trong hướng dẫn này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn cách thiết lập máy chủ VPN Windows 7 hay Vista và kết nối với máy tính Windows XP, Vista hay Windows 7.
Tránh xung đột IP
Do các kết nối VPN sẽ liên kết các mạng với nhau nên bạn phải hết sức thận trọng với địa chỉ subnet và IP, làm sao để chúng không xảy ra bất cứ xung đột nào. Trên mạng đang hosting máy chủ VPN, bạn nên sử dụng một địa chỉ IP khác biệt cho Router, chẳng hạn như 192.168.50.1. Nếu có nhiều văn phòng làm việc, bạn có thể gán cho mỗi một văn phòng một IP/subnet khác nhau, chẳng hạn như 192.168.51.1, 192.168.52.1,…
Hình 1
Tạo kết nối gửi đến trong Windows
Để cấu hình máy chủ VPN Windows, bạn cần thực hiện như những gì được mô tả bởi Microsoft, ví dụ như việc tạo kết nối gửi đến. Đây sẽ là một máy chủ hoặc host của VPN. Ngoài ra bạn cần chỉ định người dùng mà bạn muốn kết nối đến. Hãy thực hiện theo các bước sau để tạo một kết nối gửi đến:
1. Kích phải vào biểu tượng mạng nằm trong khay hệ thống và chọn Open Network and Sharing Center.
2. Click on Manage network connections (Windows Vista) or Change adapter settings (Windows 7).
3. Kích Manage network connections (Windows Vista) hoặc Change adapter settings hoặc (Windows 7)
4. Nhấn phím Alt để hiện File Menu và kích File > New Incoming connection… .
5. Chọn những ai mà bạn thích cung cấp truy cập VPN đến hoặc tạo các tài khoản tùy chỉnh bằng cách kích vào Add someone. Xem ví dụ trong hình 2. Sau khi thực hiện xong, kích Next.
Hình 2
6. Chọn Through the Internet, như thể hiện trong hình 3 và kích Next.
Hình 3
7. Như thể hiện trong hình 4, bạn có thể chọn các giao thức mình muốn kích hoạt cho kết nối này. Ở đây bạn có lựa chọn chẳng hạn như Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4), để người dùng từ xa có thể nhận địa chỉ IP và có thể truy cập vào mạng hoặc Internet. Ngoài ra nếu muốn người dùng từ xa có thể truy cập vào file và các máy in được chia sẻ, hãy chọn File and Printer Sharing for Microsoft Networks. Sau khi thực hiện xong, kích Allow access.
Hình 4
8. Trong cửa sổ kế tiếp, kích Close.
Lúc này bạn cần truy cập các thuộc tính của kết nối mạng gửi đến vừa được tạo và định nghĩa dải địa chỉ IP cho các máy khách VPN:
1. Trong cửa sổ Network Connections, kích đúp vào Incoming Connections.
2. Chọn tab Networking và kích đúp vào Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4).
3. Chọn Specify IP addresses và sau đó nhập vào địa chỉ khởi đầu và cuối của dải subnet cục bộ nhưng không xung đột với dải DHCP. Cho ví dụ, nếu IP của Router là 192.168.50.1, bạn có thể nhập vào 192.168.50.50 đến 192.168.50.59, như thể hiện trong hình 5, khi đó hệ thống của bạn sẽ hỗ trợ 10 máy khách. Nếu muốn các máy khách có thể tự gán một IP, hãy chọn tùy chọn đó.
Hình 5
4. Kích OK trong cả hai hộp thoại để lưu các thay đổi.
Cấu hình tường lửa nhóm thứ ba
Windows sẽ tự động cho phép các kết nối VPN thông qua tường lửa của Windows khi bạn cấu hình kết nối gửi vào trên máy tính hosting. Mặc dù vậy nếu đã cài đặt một tường lửa của nhóm thứ ba trên máy tính này, bạn cần bảo đảm nó cho phép lưu lượng VPN đi thông qua. Có thể thực hiện thủ công bằng cách nhập vào số cổng 47 và 1723.
Cấu hình địa chỉ IP, DNS động và Router
Để kích hoạt các kết nối VPN cho các máy tính host từ Internet, bạn phải cấu hình Router sao cho nó có thể chuyển tiếp chúng đến máy tính Windows đang chấp nhận các kết nối gửi vào. Có thể chỉ định máy tính host bằng cách nhập vào địa chỉ IP cục bộ. Do đó, trước khi thiết lập cổng chuyển tiếp, bạn nên bảo đảm không thay đổi địa chỉ IP.
Bắt đầu bằng cách truy cập vào giao diện điều khiển web của Router. Sau đó vào phần thiết lập mạng hay DHCP và quan sát xem liệu bạn có thể trữ địa chỉ IP cho máy tính để nó luôn nhận cùng một địa chỉ. Cách thức này được gọi là DHCP reservation hoặc Static DHCP. Một số Router không có tính năng này. Trong trường hợp đó, bạn cần tự gán cho máy tính một địa chỉ IP tĩnh trong thiết lập TCP/IP của kết nối mạng trong hệ điều hành Windows.
Khi đã chỉ ra địa chỉ IP, hãy tìm đến thiết lập máy chủ ảo hoặc cổng chuyển tiếp trong giao diện điều khiển web của Router. Sau đó tạo một mục cổng chuyển tiếp 1723 đến địa chỉ IP cục bộ của máy tính, chẳng hạn như trong hình 6. Không quên lưu các thay đổi!
Hình 6.
Nếu kết nối Internet của bạn sử dụng địa chỉ IP động, khi đó bạn cần đăng ký và cấu hình dịch vụ DNS động. Điều này là vì khi cấu hình các máy khách ở xa, bạn cần phải nhập vào địa chỉ IP của nơi máy tính host cư trú. Đây sẽ là một vấn đề nếu IP thay đổi. Mặc dù vậy, bạn có thể đăng ký một dịch vụ miễn phí, chẳng hạn như dịch vụ được cung cấp từ No-IP, và nhập các thông tin chi tiết tài khoản vào Router để nó sẽ cập nhật hostname với IP của bạn. Sau đó bạn sẽ có một hostname (chẳng hạn như yourname.no-ip.org) được gán cho các máy khách từ xa, hostname này sẽ luôn trỏ tới địa chỉ IP Internet hiện hành của máy tính host.
Lúc này mọi thứ bên phía trình chủ đều đã được hoàn thành và bạn có thể sẵn sàng chuyển sang các bước tiếp theo, đó là cài đặt các máy khách.
Tạo các kết nối VPN gửi ra trong Windows
Sau khi đã cài đặt xong máy chủ, bạn cần cấu hình các máy tính mà bạn muốn kết nối từ đó, các máy tính này được gọi là các máy khách VPN. Đây là cách cấu hình trong Windows Vista và Windows 7:
1. Kích hải vào biểu tượng mạng trong khay hệ thống và chọn Open Network and Sharing Center.
2. Kích Set up a connection or network (Windows Vista) hoặc Set up a new connection or network (Windows 7, như thể hiện trong hình7).
3. Trên wizard, chọn Connect to a workplace, và kích Next.
4. Chọn Use my internet connection (VPN).
5. Đánh địa chỉ IP Internet hoặc hostname vào phần Internet address và nhập thứ gì đó trong phần Destination name. Xem ví dụ trong hình 8. Các tùy chọn khác có thể để vô hiệu hóa. Kích Next để tiếp tục.
6. Nhập User name và password đã được chọn khi bạn tạo kết nối VPN gửi vào, kích Next để thực hiện kết nối. Thao tác này sẽ thực hiện hành động kết nối bằng cách sử dụng các giao thức: SSTP, PPTP, và sau đó L2TP.
7. Sau khi đã kết nối, kích Close.
Windows có thể gán mặc định kết nối là Public Network, khi đó bạn sẽ bị hạn chế chức năng chia sẻ. Do đó nếu muốn thay đổi, bạn có thể mở Network and Sharing Center và kích Customize (Windows Vista) hoặc liên kết Public network bên dưới phần tên kết nối (Windows 7). Sau đó trên cửa sổ xuất hiện, chọn Work Network.
Đây là cách tạo một kết nối VPN gửi ra trong Windows XP:
1. Mở cửa sổ Network Connections và kích Create a new connection.
2. Chọn Connect to the network at my workplace và kích Next.
3. Chọn Virtual Private Network connection và kích Next.
4. Nhập vào tên cho kết nối và kích Next.
5. Chọn Do not dial the initial connection và kích Next.
6. Đánh địa chỉ IP Internet hay hostname và kích Next.
7. Kích Finish.
Hạn chế lưu lượng VPN
Mặc định, tất cả lưu lượng Internet trên máy khách VPN sẽ chạy qua VPN mà không phải Internet cục bộ mà chúng được kết nối đến. Đây là một ưu điểm nếu chúng đang sử dụng kết nối công cộng, giống như một cổng trong khách sạn hoặc Wi-Fi hotspot vì nó sẽ cho phép duyệt riêng tư hơn. Tuy nhiên nếu chúng nằm trên một mạng tin cậy, giống như mạng gia đình hoặc mạng văn phòng từ xa thì điều này có thể gây lãng phí về băng thông. Để hạn chế lưu lượng thông qua kết nối VPN chúng ta có thể làm như sau:
1. Trên cửa sổ Network Connections, kích VPN connection và chọn Properties.
2. Chọn tab Network và kích đúp Internet Protocol (TCP/IP).
3. Kích nút Advanced và hủy chọn Use default gateway on remote network (xem hình 9).
4. Kích OK trên các hộp thoại để lưu các thay đổi.
Lúc này máy khách VPN sẽ sử dụng kết nối Internet cục bộ khi duyệt các website. Nó chỉ sử dụng kết nối VPN khi không thế với tới một máy chủ hoặc địa chỉ IP nào đó thông qua Internet, chẳng hạn như khi truy cập vào các chia sẻ trên mạng cấu hình VPN.
Kết nối với VPN
Trong Windows XP, bạn có thể kết nối và hủy kết nối bằng cách mở cửa sổ Network Connections và kích phải vào kết nối VPN. Trong Windows Vista, bạn có thể kích vào biểu tượng mạng trong khay hệ thống, kích Connect to, sau đố chọn kết nối. Trong Windows 7, kích biểu tượng mạng trong khay hệ thống và chọn kết nối VPN.
Sau khi kết nối, bạn sẽ có thể truy cập đến các tài nguyên chia sẻ trên mạng cấu hình VPN. Cần lưu ý rằng, bạn có thể phải truy cập một một cách thủ công đến các chia sẻ (ví dụ như ip_address_of_computer hoặc file://computer_name/) thay vì duyệt trong My Network Places hoặc Network.