Thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn phát triển theo chiều rộng mà chưa chú trọng chiều sâu. Dù tăng trưởng khá cao và đa dạng về ngành hàng nhưng TMĐT vẫn thiếu một “đầu tàu” dẫn dắt thị trường.
Sự phát triển về hạ tầng công nghệ thông tin cùng số người sử dụng Internet, cộng với những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng nhanh chóng số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử trong thời gian gần đây.
Những bước khởi đầu khả quan
Theo khảo sát của Công ty Vinalink, ở Việt Nam hiện có khoảng 9.300 trang web B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) cung cấp các hình thức mua bán thông qua việc đặt hàng trên trang web hoặc qua điện thoại với doanh thu vào khoảng 450 triệu đô-la Mỹ, chiếm 0,5% GDP. Còn về loại hình B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp), có gần 3.000 doanh nghiệp với doanh thu khoảng 1,5 tỷ đô-la Mỹ. Như vậy, làm một phép cộng đơn giản có thể thấy cả B2B và B2C đã chiếm gần 2,5% GDP.
Còn tại nước láng giềng Trung Quốc, giá trị giao dịch trên Internet trong một ngày đã đạt 100 triệu đô-la Mỹ. Xét về tương quan dân số, tiềm năng thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Ngoài sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp thì sự tăng trưởng về ngành nghề kinh doanh thương mại điện tử cũng mang lại một cái nhìn lạc quan. Từ hàng tiêu dùng, điện máy, sách báo cho đến các hàng hóa nội dung số, dịch vụ giá trị gia tăng đều có mặt trong danh mục kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam.
Đến nay, lĩnh vực này cũng không còn xa lạ với người sử dụng tại Việt Nam như giai đoạn ban đầu 2000-2005. Đa số các doanh nghiệp đều có trang web và đa số người tiêu dùng thành thị đều sử dụng Internet để tìm kiếm mặt hàng họ cần. Tuy nhiên, bên cạnh những bước đầu khả quan đó, vẫn còn một khoảng cách lớn từ việc sử dụng Internet tìm kiếm hàng hóa đến việc giao dịch trực tuyến thật sự. Thương mại điện tử ở Việt Nam còn đang mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chưa có sự phát triển chiều sâu và tạo thành sự đột phá về thị trường như tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...
0 Nhận xét ::
Đăng nhận xét