Kiếm Tiền Trên Mạng - Thanh Toán Trực Tuyến & Thương Mại Điện Tử

Chiến lược cho các công ty IT VN vừa và nhỏ




Trong buổi học cuối tuần vừa rồi tôi có dịp tiếp xúc với một giảng viên khá đặc biệt, một người xuất phát từ dân kỹ sư xây dựng đã từng lăn lộn qua rất nhiều vị trí khác nhau, từ một nhà thiết kế công trình, quản lý nhà nước và hiện giờ ở độ tuổi gần 60 thì thầy tạm hài lòng với vị trí phó giám đốc của một công ty bất động sản có tiếng ở Việt Nam. Thầy đến lớp học một buổi duy nhất nhằm chia sẻ những góc nhìn của mình về ngành và nền kinh tế dưới góc nhìn của một người kỹ thuật. Mặc dù đề tài thảo luận là "Chiến lược cho các công ty địa ốc VN vừa và nhỏ" nhưng tôi thấy có rất nhiều sự tương đồng với các công ty IT VN, nên cũng ...tranh thủ hỏi và trao đổi với thầy rất nhiều về những vấn đề mình đang suy nghĩ. Thật là thú vị khi lắng nghe những chia sẻ của một người kỹ sư với rất nhiều kinh nghiệm từng trải trên thương trường

Xây dựng một đội ngũ kỹ thuật tốt

Gần như tất cả các công ty vừa và nhỏ địa ốc ở Việt Nam (vốn < 20 triệu USD) đều xuất phát từ việc thành công của một vài thương vụ cá nhân. Hầu hết đều không có kinh nghiệm liên quan cũng như các kinh nghiệm quản lý. Chính vì vậy mà với các dự án bình thường thì chưa có gì nảy sinh, chỉ đến những dự án lớn thì các hạn chế về mặt kỹ thuật mới bắt đầu bộc lộ, gây hao tốn nhiều tiền của trong việc khắc phục và mọi người xung quanh mới biết được đâu là những sản phẩm tốt thực sự.

Nhìn lại thị trường các công ty IT VN cũng thấy vấn đề hoàn toàn tương tự. Nhiều công ty xuất phát lắm tiền và nhiều thế lực nhưng không có một đội ngũ kỹ thuật tốt, chỉ chăm vào ý tưởng và thị trường. Do hiện tại các ứng dụng giải pháp vẫn còn ở mức đơn giản, đến khi ứng dụng bắt đầu bùng nổ thì những điểm yếu mới bắt đầu bộc lộ và sẽ gây ra các vấn đề có thể dẫn tới sự sụp độ hoàn toàn của chính sản phẩm đó.

Hướng tới một sản phẩm khác biệt

Khi so sánh với doanh nghiệp lớn nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài thì có thể thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thua đủ mọi bề. Từ vốn cho đến các kinh nghiệm quản lý, thương hiệu... Đó là chưa kể bất cập ở việc các doanh nghiệp nước ngoài còn được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam luôn bị nhũng nhiễu, chèn ép. Chính vì vậy mà hầu như không có khả năng cho các công ty vừa và nhỏ VN có thể thực hiện cuộc chiến trực tiếp với các đại gia này. Thay vì đưa sản phẩm trở thành số một Việt Nam, hãy hướng đến mục tiêu trở thành một sản phẩm khác biệt.

Có lẽ kinh nghiệm này hoàn toàn đúng cho các công ty Internet Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các công ty đang có ý định cạnh tranh vị trí số một với các đại gia nước ngoài ;))

Cố gắng giữ gìn thương hiệu công ty

Thầy nói một điều đáng buồn của người Viêt hiện nay là việc liên kết giữa các doanh nghiệp hay các cá nhân với nhau còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do khi liên kết mỗi bên đều có tư tưởng hủ lợi, tức là muốn được lợi hơn bên kia, ngay cả công ty con trong các tổng công ty cũng hoạt động rất rời rạc mà hầu như không có sự gắn kết. Ngoài ra việc giữ chữ tín của người Việt còn rất kém @_@

Điều này xuất phát từ chính văn hóa của chúng ta nên hầu như khó có thể thay đổi được. Chỉ ráng cố gắng về phía bản thân mình để trở thành một công ty tốt và biết giữ chữ tín. Cố gắng tránh tối đa những tranh chấp và khiếu kiện, trong trường hợp xảy ra thì đôi lúc nên nhường một bước để giữ thương hiệu cho mình. Người nghèo mà có uy tín thì mọi người còn tin, còn đã nghèo mà không có uy tín thì ai tin được nữa.

Chọn người tài để chuyển giao cho thế hệ thứ hai

Phần lớn sự thành công của các công ty vừa và nhỏ ở VN xuất phát từ các quan hệ cũng như khả năng chớp thời cơ đúng lúc mà chưa dựa nhiều vào đội ngũ nhân lực. Chính vì điều này mà để có thể vươn xa hơn, các công ty này cần phải tuyển chọn những người tài vào vị trí lãnh đạo kế thừa. Đây là một vấn đề cũng dễ hiểu nhưng ...không dễ để thực hiện :)

Thầy cũng chia sẻ thêm về vấn đề chọn người vào vị trí lãnh đạo. Ở các nước như Nga, Trung Quốc, Việt Nam... thì vai trò các nhà lãnh đạo đất nước sẽ từng bước là: Quân sự - Chính Trị - Kỹ trị - Luật Trị. Ở Trung Quốc thì đã chuyển sang Kỹ Trị từ lâu và đang hướng đến Luật Trị (Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo đều là các kỹ sư), trong khi Việt Nam hiện nay thì vẫn còn nằm ở giai đoạn Chính Trị (thủ tướng Dũng, chủ tịch Triết) từng bước chuyển giao sang Kỹ Trị (phó thủ tướng Thiện Nhân và Trung Hải). Do đó có thể thấy sắp tới vai trò của những nhà lãnh đạo mang ...âm hưởng kỹ sư ở Việt Nam sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Theo quan điểm của cá nhân thầy, nên cân nhắc để chọn những người này vào vị trí lãnh đạo (Tôi cũng đồng ý luôn bởi cùng là kỹ sư mà ^_^)


Tổng kết lại qua buổi học này tôi đã biết được thêm nhiều điều hay. Tôi nhận ra rằng mình đang có nhiều lợi thế của lớp trẻ đầy năng động tự tin, tuy nhiên tôi cần phải có thêm những người cố vấn từng trải của thế hệ đi trước như thầy để có thể giúp tôi hạn chế tối đa những sai lầm không đáng có và tiến nhanh hơn tới mục tiêu của mình. Và có lẽ đó cũng là điều mà các công ty IT Việt Nam còn non trẻ hiện nay nên có trước khi họ có thể vươn xa với những tham vọng của mình

0 Nhận xét ::

Đăng nhận xét

Bài Ngẫu Nhiên
 

Copyright © 2010 Kiếm Tiền Trên Mạng - Thanh Toán Trực Tuyến & Thương Mại Điện Tử

Designed by Tony Tran